Đà Nẵng: Ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án SATREPS với trường Đại học xây dựng Hà Nội

Hồng Sơn|28/06/2020 02:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 26/6, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra buổi lễ ký kết hợp tác thực hiện dự án SATREPS giữa Sở Tài Nguyên Môi trường TP Đà Nẵng và Trường Đại học xây dựng (Hà Nội).

Dự án SATREPS nhằm thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam. Dự án dựa trên thỏa thuận đã ký kết giữa Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các đối tác tại Việt Nam và trường Đại học Saitama.

Tham dự buổi lễ ký kết có ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TNMT thành phố Đà Nẵng, PGS –TS Phạm Duy Hòa – Hiệu trưởng Trường Đại học xây dựng (Hà Nội), đại diện Sở KH-CN, Viện Quy hoạch – Đô thị, Sở Xây dựng, Công ty Môi trường – đô thị thành phố Đà Nẵng.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án SATREPS giữa trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Sở TN – MT Đà Nẵng

Đây là dự án với cơ quan quản lý dự án là Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; Cơ quan chủ trì thực hiện dự án là Sở TN- MT Đà Nẵng; Sở Xây dựng Đà Nẵng; Sở KH –CN Đà Nẵng. Các cơ quan phối hợp bao gồm: Trường đại học Xây dựng; Trường Đại học Saitama (Nhật Bản) và dự án SATREPS. Với tổng kinh phí thực hiện dự án là 5 triệu USD được tài trợ bởi tổ chức Jica.

Dự án “Quản lý và Tái chế chất thải rắn xây dựng nhằm bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025” được thực hiện tại thành phố Đà Nẵng. Mục tiêu của dự án nhằm thu gom chất thải rắn được thải ra trong quá trình hoạt động xây dựng như: xây mới, cải tạo hay phá dỡ công trình xây dựng, công trình cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất vật liệu xây dựng.

CTR xây dựng phát sinh từ việc xây mới hoặc sửa sang lại các công trình xây dựng làm gia tăng lượng chất thải rắn tại Đà Nẵng

Kế hoạch thực hiện dự án chia làm 3 giai đoạn với: Giai đoạn 1 : Đánh giá thực trạng quản lý phế thải xây dựng tại thành phố Đà Nẵng; Giai đoạn 2: Xây dựng hệ thống quản lý và phát triển công nghệ tái chế Phế thải xây dựng tiên tiến, thân thiện với môi trường; Giai đoạn 3: Vận hành hệ thống quản lý và Đầu tư thí điểm trung tâm tái chế Phế thải xây dựng.

Thành phố Đà Nẵng với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa cao cùng với sự phát triển kinh tế trên mọi mặt, dân số gia tăng cơ học và khách du lịch nhiều nên lượng CTR theo đó gia tăng nhanh chóng. Thành phố Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quản lý CTR , đó là tổng lượng CTR  liên tục tăng ở mức cao (16-17%), quỹ đất dành cho bãi chôn lấp hạn hẹp, công tác qui hoạch, quản lý đô thị chưa phù hợp gây khó khăn cho việc quản lý CTR, tỷ lệ tái chế chất thải tài nguyên rất thấp, kế hoạch phân loại chất thải tại nguồn mới được ban hành nhưng chưa huy động được tối đa sự tham gia của cộng đồng, hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện.. Đây là những nhóm vấn đề mà thành phố Đà Nẵng đã xác định cần sớm ưu tiên giải quyết trong những năm tới.

Theo PGS –TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường đại học xây dựng Hà Nội, Giám đốc dự án cho biết: Dự án này sẽ đặc biệt có lợi cho người dân xung quanh công trường xây dựng và khu vực CTR xây dựng. Sức khỏe và môi trường sống sẽ được cải thiện khi CTR xây dựng được kiểm soát, tái chế theo cách xử lý phù hợp và thân thiện môi trường. Cư dân địa phương sẽ được bảo vệ khỏi các vấn đề về đường hô hấp và các vấn đề sức khỏe khác. Nếu CTR xây dựng được thu gom và đưa về xử lý các tác động, người dân sống trong các khu vực đó sẽ được bảo vệ khỏi các tai nạn giao thông gây ra do việc thiếu kiểm soát CTR xây dựng. Môi trường cảnh quan của các khu dân cư, các khu phố sẽ được bảo vệ và hệ thống sinh thái sẽ được duy trì, từ đó sẽ tăng chất lượng cuộc sống của người dân cũng như nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, quản lý và tận dụng CTR xây dựng…

Ngoài ra, dự án này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho địa phương trong việc tạo ra các cơ hội việc làm cho người dân địa phương khi tham gia vào quá trình thâu gom, phân loại và tái chế CTR xây dựng để sản xuất vật liệu mới. Đặc biệt lao động nữ có thể có nhiều cơ hội để tham gia vào quá trình này với điều kiện làm việc tốt hơn. Do đó thu nhập của người dân sẽ tăng và mức sống của người dân được cải thiện và còn tạo ra lợi ích kinh tế từ việc giảm chi phí quản lý và xử lý môi trường bị ô nhiễm do CTR xây dựng. Bên cạnh đó, lợi ích kinh tế cũng được tạo ra từ sản xuất vật liệu mới có giá trị được tái chế từ CTR xây dựng…

Hồng Sơn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đà Nẵng: Ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện dự án SATREPS với trường Đại học xây dựng Hà Nội
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.