Đà Nẵng: Nghiêm cấm đốt thực bì, nương rẫy trong mùa nắng nóng

Nguyên Lâm|29/05/2023 20:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhằm phòng chống cháy nổ trong mùa nắng hè, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các chủ rừng không đốt thực bì, nương rẫy khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép.

UBND thành phố Đà Nẵng ban hành văn bản số 2678/UBND-CATP về tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy, nổ mùa nắng hè. Trong đó, đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện cần thiết nhằm đảm bảo công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước, của UBND thành phố về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH); chủ động kiểm tra, tự kiểm tra công tác PCCC và CNCH ở cơ quan, đơn vị nhằm phát hiện những sơ hở, thiếu sót để kịp thời khắc phục. Đồng thời, trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện cần thiết nhằm đảm bảo công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú về các quy định, kiến thức phòng chống cháy, nổ; nhất là các biện pháp an toàn trong sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt; các quy định, biện pháp phòng chống cháy, nổ trong hoạt động đốt cỏ, rác, thực bì, phòng cháy chữa cháy rừng và phòng chống đuối nước để người dân, tổ chức biết, thực hiện.

dot-rung.jpg
Trước thời điểm nắng nóng kéo dài, TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân không đốt thực bì, đốt rừng

Sở Công thương chỉ đạo Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng có phương pháp hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra hệ thống điện của hộ gia đình (hệ thống điện sau công tơ), đặc biệt là hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh, kịp thời phát hiện, khắc phục những điểm mất an toàn khi sử dụng điện, phòng, chống cháy, nổ do sử dụng điện gây ra. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn hệ thống truyền tải điện, hành lang an toàn điện do đơn vị quản lý (hệ thống điện trước công tơ), kịp thời phát hiện các trường hợp không đảm bảo các điều kiện an toàn điện để khắc phục, cải tạo, xử lý vi phạm theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án đảm bảo an toàn PCCC và CNCH các cảng cá, khu vực neo đậu tàu, thuyền trên địa bàn thành phố như: Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, vịnh Mân Quang; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương nơi có rừng tổ chức tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; chủ động cảnh báo những khu rừng có nguy cơ cháy cao, yêu cầu các chủ rừng không đốt thực bì, nương rẫy khi chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép. Song song đó, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCC rừng, nhất là khu vực rừng xung quanh các công trình, khu du lịch sinh thái thường xuyên có một lượng lớn khách tham quan, lưu trú như Bà Nà Hill, Intercontinental Đà Nẵng, Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt. Phối hợp với các địa phương có rừng đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ chữa cháy rừng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.

Công an thành phố có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng cháy, kỹ năng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường thời lượng phát sóng các chuyên mục, phóng sự, tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện công tác PCCC.

Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC, nhất là phối hợp với ngành điện kiểm tra các quy định về sử dụng điện an toàn tại các chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH tại các khu dân cư và các cơ sở có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao.

Tổ chức lực lượng, phương tiện thường trực ở mức cao nhất, nhất là các phương tiện chữa cháy rừng, phương tiện chữa cháy đối với nhà cao tầng, siêu cao tầng, kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng (nhất là thiệt hại về người).

Điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nhất là các vụ cháy cỏ, rác, thực bì xảy ra trên diện rộng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, nếu xác định có dấu hiệu của tội phạm thì phải điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

UBND các quận, huyện tăng cường các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn công dân, tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện, các biện pháp phòng chống cháy, nổ, nhất là công tác PCCC tại các khu đất trống; PCCC rừng và công tác phòng chống đuối nước. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thường xuyên thực hiện việc phát quang trên phần đất thuộc trách nhiệm quản lý sử dụng, hạn chế các điều kiện xảy ra cháy và tạo mỹ quan, vệ sinh môi trường. Không để phát sinh cháy cỏ, rác trên diện rộng, gây ảnh hưởng môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, nhất là đối với các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ, khu dân cư, rừng và cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra cháy lớn, cháy lan gây thiệt hại nghiêm trọng.

Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản, lập danh sách, lập hồ sơ quản lý về PCCC và kiểm tra đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, tuyệt đối không để sót lọt cơ sở. Yêu cầu chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị.

Hướng dẫn 100% nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa có lối thoát nạn thứ 2 phải mở lối thoát nạn thứ 2 (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt...) và tháo dỡ “chuồng cọp” tạo lối thoát nạn thứ 2; trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ.

Củng cố, xây dựng, duy trì và đảm bảo kinh phí hoạt động của lực lượng dân phòng, việc xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”; đầu tư kinh phí để mua sắm phương tiện, dụng cụ chữa cháy, CNCH theo quy định của pháp luật. Khi xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố phải tập trung huy động các lực lượng tại chổ tổ chức chữa cháy, CNCH kịp thời và chỉ đạo khắc phục hậu quả do cháy, nổ gây ra.

Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra 80 vụ cháy, trong đó 38 vụ cháy dân sự và 42 vụ cháy cỏ, rác, thiết bị trên trụ điện... Các vụ cháy xảy ra tuy không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 77,136 tỷ đồng, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch và đời sống của người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đà Nẵng: Nghiêm cấm đốt thực bì, nương rẫy trong mùa nắng nóng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.