Đà Nẵng: Phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái

Gia Hân|09/04/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt trọng tâm vào việc xây dựng đô thị sinh thái, duy trì các điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường, kết hợp tốt giữa phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bảo đảm chất lượng nguồn nước

Nhằm bảo đảm chất lượng nguồn nước sông Cu Đê trước khi thành phố tổ chức khánh thành nhà máy nước Hòa Liên, trung tuần tháng 3 vừa qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, UBND xã Hòa Bắc, Xí nghiệp Môi trường Hòa Vang tổ chức đặt thùng rác tại nhiều điểm dọc đường ĐT.601 (đoạn từ đập dâng Nam Mỹ ngược lên các thôn Nam Mỹ, Giàn Bí và Tà Lang thuộc xã Hòa Bắc). Sau đó ít ngày, lần đầu tiên có chuyến xe vận chuyển rác xuất hiện ở 3 thôn nói trên đi thu gom hết rác trong các thùng để chở về bãi rác Khánh Sơn. Những thùng đựng rác và xe thu gom rác là hình ảnh rất bình thường ở thành phố, nhưng người dân 3 thôn này đã chờ đợi từ rất lâu và đây cũng là những thôn cuối cùng của huyện Hòa Vang được thu gom rác sinh hoạt.

Cùng thời điểm đó, dù là ngày giữa tuần nhưng nhiều cán bộ, nhân dân thôn Giàn Bí vẫn tranh thủ ra quân tổng vệ sinh môi trường để thu gom hết rác vương vãi tại các tuyến đường, sân nhà gươl đưa lên xe chở về bãi rác Khánh Sơn nhằm gìn giữ môi trường trong thôn sạch, đẹp và góp phần bảo vệ nguồn nước sông Cu Đê.

bao-ve-moi-truong-sinh-thai.jpg
Ảnh minh họa

Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Thái Văn Hoài Nam cho biết: “Cán bộ, nhân dân xã rất quan tâm và bảo vệ nguồn nước bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: bảo vệ và giữ rừng, chấm dứt khai thác vàng trái phép, trồng rừng gỗ lớn, thu gom rác sinh hoạt của người dân tại các thôn còn lại của xã...”. Lãnh đạo xã Hòa Bắc đề nghị thành phố quan tâm đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải (XLNT) tại các khu dân cư mới, khu dân cư hiện trạng nhằm bảo đảm chất lượng trước khi chảy ra sông Cu Đê.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố đã được thu gom, xử lý hơn 88% tổng trữ lượng nước thải phát sinh hằng ngày. Khi tất cả các trạm XLNT đang triển khai trên địa bàn thành phố hoàn thành đầu tư trong năm 2023 sẽ nâng tổng công suất lên 340.500m3/ngày. Tuy nhiên, đây chỉ mới ở khu vực đô thị, còn ở huyện Hòa Vang thì với đặc thù có nhiều khu dân cư phân tán, chia cắt bởi địa hình nên huyện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư các công trình thu gom, trạm XNNT. Để bảo vệ nguồn nước, mô hình đầu tư những trạm XLNT loại nhỏ, phân tán ở mỗi khu dân cư, khu đô thị tại huyện Hòa Vang được xem là phù hợp và đây cũng hướng đầu tư khi triển khai xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng Nguyễn Minh Huy cho hay: “Trong quá trình triển khai các khu tái định cư mới trên địa bàn huyện Hòa Vang, chúng tôi đều nghiên cứu, đưa vào hạng mục đầu tư các trạm XLNT nhỏ và sẽ xây dựng trong thời gian đến, nhất là ở xã Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Phú...”.

Theo dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, về phương án thoát nước, trước mắt, nước thải phát sinh tại khu vực huyện Hòa Vang được thu gom và xử lý theo hình thức phân tán. Thành phố sẽ đầu tư các hệ thống thu gom, trạm XLNT mới để nâng công suất đến năm 2030 đạt 515.000m3/ngày, trong đó, nâng công suất trạm XLNT Liên Chiểu thêm 50.000m3/ngày; xây dựng mới trạm XLNT Hòa Nhơn có công suất 80.000m3/ngày; xây dựng các trạm XLNT phân tán, cục bộ ở khu vực phía tây nam thành phố với tổng công suất 45.000m3/ngày.

Đà Nẵng - Thành phố môi trường

Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 2/4/2021, có một số tiêu chí khuyến khích rất đặc trưng để hướng đến xây dựng đô thị sinh thái. Cụ thể, đến năm 2030, thành phố có 2-3 khu công nghiệp sinh thái; 5 khu đô thị sinh thái; giảm 5-7% khối lượng phát thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo; tỷ lệ nước thải tái sử dụng phù hợp mục đích sử dụng đạt 20%...

Dự thảo Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đặt ra các mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, thành phố đáng sống; tầm nhìn đến năm 2050, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp châu Á... Mục tiêu phát triển đến năm 2030 trong lĩnh vực môi trường là 90% trữ lượng nước thải sinh hoạt trong đô thị được thu gom và xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn; tỷ lệ dân số ở đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%; chỉ số chất lượng môi trường không khí dưới 100; độ che phủ rừng đạt 45-47%, diện tích đất cây xanh công cộng bình quân ở khu vực nội thị đạt 9m2/người; tỷ lệ chất thải rắn (rác) sinh hoạt được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường hơn 97%, đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý rác sinh hoạt bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, để thực hiện các mục tiêu trên, thành phố tiếp tục đầu tư, tiến đến hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị (trạm trung chuyển rác, khu liên hợp xử lý rác...) với công nghệ tiên tiến. Thành phố tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường không khí, nước, đất, lưu vực sông, biển; thúc đẩy thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm nguồn nước mặt tại các ao, hồ, sông, kênh trong các đô thị, khu dân cư; ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và khuyến khích, phát triển sử dụng năng lượng mới đem lại hiệu quả cao; tăng cường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tiếp tục củng cố và bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống các khu bảo tồn hiện có; mở rộng diện tích các khu bảo tồn; bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái quan trọng. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường và chung tay xây dựng thành phố môi trường được đẩy mạnh để tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ về ý thức, thái độ và hành động của cộng đồng, nhằm xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp, an toàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đà Nẵng: Phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái