Đà Nẵng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

Phương Nhi|07/05/2022 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sở Y tế TP Đà Nẵng vừa ban hành Công văn về việc tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Hiện nay thời tiết khí hậu đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng. Bắt đầu vào hè, số ca mắc bệnh tay chân miệng ở trẻ tại Đà Nẵng tăng đột biến. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố ghi nhận hơn 100 ca mắc chỉ trong một tuần ở cả 7 quận huyện.

Cũng như nhiều địa phương khác, tại Đà Nẵng dịch bệnh tay chân miệng hiện đang bước vào mùa. Theo hệ thống giám sát dịch bệnh thành phố, từ 24/4 đến 1/5, toàn TP.Đà Nẵng ghi nhận 105 ca mắc tay chân miệng, chiếm 48,6% tổng số ca mắc bệnh tính từ đầu năm (215 ca mắc).

Trong đó, số trẻ em dưới 5 tuổi là 210 ca, chiếm 97,7%, các ca mắc xuất hiện hầu hết ở 7 quận, huyện nhưng tăng cao ở quận Liên Chiểu (55 ca), Hòa Vang (41 ca) và Ngũ Hành Sơn (37 ca).

Đà Nẵng cảnh báo bệnh Tay chân miệng bùng phát đầu hè. Ảnh: CDC

Trước tình hình diễn biến của bệnh Tay chân miệng, Sở Y tế TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu tăng cường giám sát, điều tra, xử lý ca bệnh đơn lẻ, ổ dịch tại địa phương; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe để truyền tải thông tin, thông điệp, các biện pháp phòng chống đến người dân.

Các bệnh viện cũng đang tổ chức phân luồng khám bệnh, thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các biến chứng nặng và tử vong liên quan đến bệnh Tay chân miệng.

Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành có liên cùng phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Tay chân miệng, đặc biệt là tại các nhà trẻ, mẫu giáo.

Các cơ sở giáo dục được yêu cầu trang bị đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng để người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; tổ chức làm sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học, bề mặt bàn, ghế, đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục và thông báo ngay với y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

Phương Nhi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng