Theo ước tính của Sở GTVT Đà Nẵng, đến tháng 12-2020, TP Đà Nẵng có hơn 1 triệu xe máy, chiếm khoảng 91% tổng số phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 59% và sẽ làm gia tăng mức phát thải chất gây ô nhiễm không khí nếu các xe không được bảo dưỡng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Từ thực tế đó, cuối tháng 2-2022, Đà Nẵng chính thức khởi động Chương trình nghiên cứu xây dựng đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.
Chương trình gồm các hoạt động như đo kiểm khí thải và hỗ trợ bảo dưỡng đối với xe máy; tham vấn ý kiến người dân và chuyên gia, cùng các cơ quan ban ngành liên quan; đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của việc kiểm soát khí thải xe máy và đề xuất các giải pháp kiểm soát. Qua kiểm tra khí thải trước bảo dưỡng cho khoảng 3.754 xe máy có tuổi đời trên 5 năm cho thấy hơn 25,44 % xe không đạt tiêu chuẩn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng nhìn nhận, khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang là vấn đề phát sinh trong quản lý đô thị mà TP.Đà Nẵng cần tầm soát điều này trước khi trở thành vấn nạn. Địa phương sẽ tuyên truyền vận động với mục tiêu cuối là giảm lượng khí thải, cùng với đó lồng ghép với đề án giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân của ngành giao thông vận tải.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thành phố cần có phương thức vận động, khuyến khích riêng biệt đối với người lao động tự do và thu nhập thấp. Những người này thường sử dụng xe cũ, có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn khí thải cao. Địa phương có thể sử dụng giải pháp về mặt kỹ thuật, xã hội như công cụ kinh tế như hỗ trợ về tiền, phí đăng ký xe mới… để khuyến khích người dân thay thế xe cũ.
Với chỉ số chung về chất lượng không khí với 100% điểm đo phản ánh từ trung bình đến tốt (AQI <100), Đà Nẵng là một trong năm địa phương xếp hạng công tác bảo vệ môi trường năm 2020 ở mức tốt. Đây là kết quả thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo thành phố, các Sở, ban ngành, địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các bộ ngành Trung ương và nhất là sự đồng thuận của người dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường.
Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa và dân số gia tăng, Đà Nẵng cũng sẽ gặp phải những vấn đề liên quan đến môi trường không khí và các giải pháp kiểm soát môi trường không khí. Trong đó, hoạt động của các phương tiện giao thông được coi là một trong những nguồn phát thải các chất ô nhiễm không khí. Số lượng xe mô tô, xe gắn máy cũng tăng nhanh mỗi năm. Đến đầu năm 2020, số lượng phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố đã tăng 20,72% so với năm 2016.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2022, Đà Nẵng chính thức khởi động Chương trình nghiên cứu xây dựng đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Là một trong ba địa phương của cả nước khởi động Chương trình này, nếu Đà Nẵng áp dụng chính sách kiểm soát khí thải xe máy thông qua kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ sẽ thu được nhiều lợi ích như có thể kiểm soát tốt lượng khí thải và đồng thời giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe. Hàng năm, mỗi xe sẽ tiết kiệm được 6,87 lít nhiên liệu (ước tính 190.000 đồng - khoản tiền này sẽ giúp bù đắp đáng kể chi phí kiểm định và bảo dưỡng định kỳ) và toàn thành phố sẽ tiết kiệm được khoảng 7,27 nghìn lít nhiên liệu (ước tính 202 tỷ đồng).
Ngoài ra, chính sách này còn giúp thành phố giảm 6,521 tấn CO (11,77% tổng lượng CO), và 556 tấn HC (12,43% tổng lượng HC) phát thải hàng năm do hoạt động giao thông. Hơn nữa, chính sách còn giúp giảm gánh nặng ngân sách từ các dịch vụ y tế cho việc khắc phục hậu quả do tác động của ô nhiễm không khí và từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.