Chương trình tọa đàm và triển lãm ảnh trực tuyến kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã kéo dài từ 30/09/2021 – 08/10/2021 nằm trong chuỗi hoạt động do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Cùng Lên tiếng Bảo vệ các Hệ sinh thái vì Thiên nhiên và Con người” do WWF-Việt Nam điều phối thông qua sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Thuỵ Điển (Sida).
Những nỗ lực bảo vệ ĐVHD (Ảnh: WWF-Việt Nam)
Ông Trần Hữu Vỹ – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt xanh tại Đà Nẵng khẳng định, Việt Nam nằm trong top 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong khu vực thuộc điểm nóng về đa dạng sinh học, tức là bị đe doạ nhiều nhất hiện nay.
Hoạt động giáo dục và truyền thông về bảo vệ ĐVHD hiện nay là rất cần thiết (Ảnh: Save Vietnam’s Wildlife)
Nguyên nhân là do môi trường sống của các loài động vật đang bị thu hẹp do phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng; hậu quả của biến đổi khí hậu; khai thác và sử dụng rừng quá mức; hạn chế trong thực thi pháp luật, đặc biệt là nạn săn bắt tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã.
Theo báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) năm 2019, Việt Nam bắt trên 600 vụ liên quan buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trong giai đoạn 2004 – 2019, trong đó bao gồm: 105,72 tấn ngà voi (tương đương 15.779 cá thể); 1,69 tấn sừng tê giác (tương đương 610 cá thể); da, xương, sản phầm khác của khoảng 228 cá thể hổ; cơ thể và vảy của khoảng 65.510 cá thể tê tê. Hiệp hội bảo tồn Động vật hoang dã (WCS) dựa trên nguồn dữ liệu do các cơ quan thực thi pháp luật cung cấp đã thống kế giai đoạn 2013 – 2017 có 1.504 vụ vi phạm với 1.461 đối tượng liên quan đến các loại động vật hoang dã; hơn 180 loại động vật hoang dã bị vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắn… bất hợp pháp.
Hải quan Đà Nẵng đã phát hiện, bắt giữ sừng tê giác và xương động vật được khai báo với mã hàng hóa là gỗ
Trung tâm CCD nghiên cứu trên Internet có 1.097 vụ rao bán khoảng hơn 11.000 cá thể động vật hoang dã (theo kết quả nghiên cứu sơ bộ về rà soát buôn bán, săn bắt động vật hoang dã ở Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2021 do Dự án VfD thực hiện).
“Động vật hoang dã đang bị buôn bán trái phép tại Việt Nam không chỉ có nguồn gốc trong nước mà còn nhập lậu từ nước ngoài và Việt Nam đang trở thành điểm trung chuyển các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, vảy tê tê và sừng tê giác từ châu Phi, phần lớn bán sang Trung Quốc (theo EIA, 2021)” – ông Vỹ cho hay.
Năm 2020, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án bảo tồn ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra các quan điểm, mục tiêu để bảo tồn và phát triển ĐDSH của thành phố. Để không xảy ra những vụ xâm hại về rừng, ĐVHD, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra bảo vệ ĐVHD, bảo vệ đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền. Nếu phát hiện các trường hợp cố ý săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã, các đơn vị chức năng liên quan sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Trong giai đoạn từ 2015 -2021, Kiểm lâm Đà Nẵng đã tiến hành xử phạt 93 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD.
Tuy nhiên từ lợi thế về vị trí địa lý và giao thông thương mại đã tạo điều kiện cho các vi phạm về vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD dưới hình thức trung chuyển, quá cảnh, nhập khẩu trái phép. Điển hình như vụ bắt giữ 9 tấn ngà voi ở cảng Tiên Sa, Đà Nẵng tháng 3/2019. Mới đây nhất là tháng 7/2021, Hải quan Đà Nẵng đã phát hiện và bắt giữ hơn 138kg sừng tê giác, hơn 3,1 tấn xương động vật được khai báo với mã hàng hóa là gỗ.
“Các vi phạm về bảo vệ ĐVHD tại Đà Nẵng chiếm tỷ trọng lớn là hành vi vận chuyển trái phép ĐVHD quá cảnh qua địa bàn. Các vụ vận chuyển này đều là những loài vật loài nguy cấp, quý hiếm có xuất xứ nước ngoài qua đường biển đến Đà Nẵng có tình tiết phức tạp với khối lượng lớn và thủ đoạn tinh vi.” – Ông Nguyễn Mạnh Tiến – Chi Cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết.
Bảo vệ ĐVHD chính là bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ trái đất – ngôi nhà chung của muôn loài. Sự tham gia và chung tay của cộng đồng, chia sẻ và lan tỏa thông điệp kêu gọi bảo vệ ĐVHD góp phần bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học.
Như Đồng