Đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về bảo vệ môi trường

Phúc Minh|30/05/2024 16:57
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, sáng nay (30/5), Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về: dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được đổi mới, hiệu quả. Nhiều hoạt động giám sát có tác động ngay trong quá trình thực hiện như giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Giám sát về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

quoc-hoi-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường sáng 30/5

Khẳng định kết quả đạt được, một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ kết quả giám sát việc thực hiện giải quyết kiến nghị của cử tri.

Ông Phạm Đình Thanh, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết: "Qua báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kết quả trả lời kiến nghị của cử tri, tôi rất băn khoăn vì tỷ lệ kiến nghị của cử tri đã được trả lời đạt 99,7% nhưng số kiến nghị đã được giải quyết rất thấp là 95/2216 kiến nghị, đạt 4,3%. Đề nghị UBTVQH và các cơ quan quan tâm đến việc giám sát kết quả giải quyết đối với vụ việc cụ thể".

Về kế hoạch năm 2025, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đồng thời căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo và qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể như sau:

Chuyên đề 1
: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành (dự kiến giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì tham mưu về nội dung).

Chuyên đề 2
: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao (dự kiến giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì tham mưu về nội dung).

Đồng tình với dự kiến chương trình của Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát tối cao "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường" và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao".

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết: "Hiện tại nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, tập kết rác phân loại như thế nào và ngay cả các địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị. Hiện vẫn còn thiếu các quy định về định mức, đơn giá thu gom và xử lý rác thải. Thực trạng này rất cần được giám sát tối cao để làm rõ những khó khăn vướng mắc và có biện pháp tháo gỡ kịp thời".

Ông Nguyễn Quang Huân, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết: "Trong quá trình giám sát tối cao có một phần về biến đổi khí hậu chưa được nhắc đến nhiều, chưa đi vào thực chất, chưa biết đi vào cụ thể như thế nào. Tôi nhất trí là đưa giám sát môi trường vào giám sát tối cao".

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đánh giá khái quát về kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2023 và 2024 là hai năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành chương trình và thực hiện nhiệm vụ giám sát phù hợp. Qua đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều đổi mới, cải tiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và những năm tiếp theo. Trong đó, đáng chú ý là việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định với nhiều đổi mới; các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, "đúng" và "trúng" những vấn đề "nóng", bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. Kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết đối với 10 lĩnh vực.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, nhờ đó đạt hiệu quả, kết quả tích cực. Trên cơ sở báo cáo của các Đoàn giám sát, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 04 nghị quyết về giám sát chuyên đề. Một trong những điểm mới, khác với hoạt động giám sát thông thường nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, năm 2023, lần đầu tiên Quốc hội thực hiện giám sát đồng thời 03 chương trình mục tiêu quốc gia ngay trong giai đoạn triển khai thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội" ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua để góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp cho những người được lấy phiếu thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành tốt hơn trọng trách được Đảng, Nhân dân và Quốc hội tin tưởng giao phó; đồng thời là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ.

Bài liên quan
  • Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn 4 Bộ trưởng trong 2,5 ngày
    Theo chương trình, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu đề nghị Quốc hội giám sát tối cao về bảo vệ môi trường