Đại Từ (Thái Nguyên): Người dân khốn khổ vì khói bụi, bùn, đất từ Mỏ than Yên Phước

Trọng Thể/ Báo Pháp luật Việt Nam|25/06/2020 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong quá trình hoạt động, Mỏ than Minh Tiến (Thái Nguyên) thuộc Công ty Cổ phần Yên Phước đã để xảy ra nhiều sự cố như: bùn, đất tràn xuống cánh đồng, nổ mìn gây nứt nhà dân… ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế, thậm chí là cả tính mạng của các hộ dân nơi đây.

Khu vực khai thác than của Công ty Cổ phần Yên Phước.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần Yên Phước được phép khai thác than tại mỏ than Minh Tiến với phương pháp khai thác lộ thiên. Tại khu vực thuộc địa phận xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Công ty bắt đầu khai thác từ tháng 01/2018 với diện tích 519.074 m2, khai thác chủ yếu sử dụng vật liệu nổ để mở vỉa.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, phóng viên liên tục nhận được phản ánh của nhiều người dân phía dưới chân núi thuộc xóm Ao Soi, xã Na Mao có hiện tượng rạn nứt nhà, công trình. Người dân cho rằng, nguyên nhân của việc nứt đất, sạt trượt đất này có thể do Công ty Cổ phần Yên Phước đổ thải phía trên đỉnh đồi và nổ mìn khai thác than gây ảnh hưởng.

Nhà của người dân bị nứt do hoạt động nổ mìn khi khai thác than.

Anh V.V.T, một người dân ở xóm Ao Soi, xã Na Mao bức xúc cho biết: “Mỏ than bắt đầu khai thác mạnh từ hơn 1 năm trước, việc đánh mìn với trữ lượng lớn gây ra chấn động trong phạm vi hơn 2km, nhà cửa cũng bị rạn nứt. Người dân đã viết nhiều đơn phản ánh, các cơ quan chức năng đến kiểm tra nhưng chưa thấy phản hồi cụ thể cho người dân”.

Trao đổi với UBND xã Na Mao, được biết đến ngày 15/4/2020 Công ty Cổ phần Yên Phước mới thực hiện hỗ trợ tiền tạm cư tháng 3, tháng 4 cho 4 hộ dân xóm Ao Soi xã Na Mao, các nội dung còn lại Công ty chưa thực hiện.

Ngày 5/6, UBND xã đã tổ chức buổi thỏa thuận bồi thường giữa Công ty và 75 hộ gia đình khác trên địa bàn. Công ty đã nhận một phần trách nhiệm về việc gây ra nứt nhà và 1 số công trình phụ trợ của người dân, đồng thời đưa ra mức hỗ trợ 250.000 đồng/m chiều dài vết nứt.

Tuy nhiên, toàn bộ các hộ dân đều không đồng ý với mức hỗ trợ vì Công ty không đưa ra được căn cứ để xác định mức hỗ trợ. Trong khi các vết rạn nứt đã ảnh hưởng tới toàn bộ kết cấu công trình, không thể sửa chữa theo cách thông thường.

Hiện tại, bà con bị ảnh hưởng đang rất lo lắng, đặc biệt vào những lúc trời mưa gió, những người ở chân núi đều phải di tán ngay trong đêm để tránh khỏi nguy cơ sạt lở, nhà sập. Không những vậy, các hoạt động sản xuất của người dân tại xã Na Mao cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Đất đồi núi bị sạt lở khiến ruộng nương của bà con ở chân núi bị vùi lấp. Bên phía Công ty có trả lại mặt bằng đã vùi lấp, hỗ trợ thóc nhưng còn qua loa, tức thời và không có phương án cụ thể hỗ trợ nhân dân.” – Anh V.V.T chỉ vào cánh đồng trước nhà văn hóa xóm cho biết.

“Trước đây chè nhà tôi rất đẹp và ngon nhưng từ khi có mỏ than chè bị bụi than bám khiến nước chè bị đen, thương lái không còn thu mua nữa. Chưa kể ngày ngày hít bụi than, nguồn nước sinh hoạt ô nhiễm, tiếng nổ mìn gây chấn động rất lớn…” – Chị N.T.H (xóm Ao Soi, xã Na Mao) bức xúc.

Những người dân của xã Na Mao cùng có chung bức xúc về ảnh hưởng của mỏ than.

Việc sản xuất lúa của người dân trên địa bàn xóm Ao Soi, xã Na Mao cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Liên tiếp trong các năm 2018, 2019 các đợt mưa lớn đã cuốn theo đất đá từ các khu vực đang thi công của mỏ dẫn tới việc tràn bùn xuống diện tích ruộng của nhân dân.

Mặc dù, Công ty Cổ phần Yên Phước có hỗ trợ thiệt hại đối với sản lượng lúa, hoa màu bị ảnh hưởng nhưng Công ty chưa thực hiện việc cải tạo đất và khôi phục tuyến mương để nhân dân tiếp tục sản xuất.

Bên cạnh đó, UBND xã Phú Cường đã nhiều lần xử lý hành vi vi phạm lấn, chiếm đất nhưng Công ty Cổ phần Yên Phước vẫn tiếp tục đổ thải trên phần diện tích lấn chiếm và thực hiện tập kết than, đá, sỏi trên đất khi chưa được chuyển mục đích sử dụng đất. Đáng chú ý, việc tập kết máy móc thi công, vận chuyển quá tải đã làm hư hỏng nặng tuyến đường ĐT.264 đến trạm điện Na Mấn, xã Phú Cường.

Mùa mưa bão đang đến gần, sự an toàn của người dân quanh khu vực mỏ than Yên Phước đang rất bí bức vì ô nhiễm, nguồn lao động sản xuất bị hạn chế, thiệt hại kinh tế gia đình song Công ty Cổ phần Yên Phước vẫn phớt lờ thực hiện việc hỗ trợ người dân, khắc phục, hạn chế những ảnh hưởng từ hoạt động nổ mìn khai thác than.

Vì vậy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên cần xem xét, xử lý triệt để vấn đề theo phản ánh của người dân để đảm bảo chất lượng hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

Trọng Thể/ Báo Pháp luật Việt Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đại Từ (Thái Nguyên): Người dân khốn khổ vì khói bụi, bùn, đất từ Mỏ than Yên Phước
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.