Đắk Lắk: Cát tặc lộng hành, hàng chục hộ dân thôn Đông Sơn có nguy cơ phải bỏ xứ mà đi

Bài và ảnh: Trần Thọ|08/05/2018 04:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đắk Lắk: Đến khi nào “cát tặc” ngừng lộng hành trên dòng sông Krông Ana?

(Moitruong.net.vn) – Sau khi Tạp chí Môi trường & cuộc sống – Moitruong.net.vn đăng tải hàng loạt bài viết về tình trạng khai thác cát trái phép tại sông Krông Ana (đoạn dọc hai huyện Cư Kuin và Krông Bông), cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng vào cuộc. Tuy nhiên, cát tặc không những không thuyên giảm mà mức độ hoạt động càng tinh vi và lộng hành hơn, gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông Krông Ana. Cùng với đó, cát tặc ép người dân bán đất cho chúng để tận thu khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục hộ dân thôn Đông Sơn có nguy cơ phải bỏ xứ mà đi.

>>> Đăk Lăk: “Cát tặc” tiếp tục lộng hành trên sông Krông Ana, cơ quan chức năng bất lực hay phớt lờ…?

Video clip Đắk Lắk: Cát tặc lộng hành, hàng chục hộ dân thôn Đông Sơn có nguy cơ phải bỏ xứ mà đi

Cát tặc ngang nhiên lộng hành, dòng sông Krông Ana sạt lở nghiêm trọng

Theo tin phản ánh của người dân, PV Moitruong.net.vn ngay lập tức có mặt tại các điểm tàu, thuyền đang hút cát trái phép trên địa bàn hai huyện Cư Kuin và Krông Bông. Tại đây, cát tặc không còn né tránh như những lần trước, dù thấy có người quay phim, chụp ảnh nhưng các tàu hút cát vẫn điềm nhiên hoạt động như không có chuyện gì xảy ra.

Theo ghi nhận của PV, từ chân cầu Giang Sơn đi ngược lên phía thượng nguồn sông Krông Ana khoảng chừng 3km, cát tặc hoạt động tấp nập như “trẩy hội”. Tốc độ làm việc chẳng khác nào một công trường đang xây dựng. Mỗi tàu, thuyền về bến bãi đều đầy ắp cát trong khoang. Các con tàu này đều chung một đặc điểm: không tên, không số, không đăng kiểm.

Hoạt động hút cát trái phép diễn ra ngang nhiên và ngày càng lộng hành

Tiếp tục men theo dọc bờ sông, hoạt động hút cát trái phép càng diễn ra với mức độ lộng hành và tinh vi hơn. Dù đã gần 12 giờ trưa, nhưng tốc độ hoạt động của các con tàu “3 không” vẫn chưa có dấu hiệu ngơi nghỉ. Theo quan sát, mỗi con tàu đều có 2 người và hoàn toàn không trang bị vật dụng phòng hộ theo quy định đường thủy.

PV quyết định dừng lại tại một mỏ cát. Tại đây có 5 chiếc tàu đang tập trung hết công suất hút cát trái phép trên bờ sông. Tiếng máy chát chúa vang lên cả một vùng sông nước. Các con tàu này hoạt động rất tinh vi. Chúng không hút cát dưới lòng sông mà dùng mũi khoan, vòi rồng xoáy sâu vào bờ sông nhằm làm cho cả dãy đất dài tại bờ lở xuống. Theo đó, một ống vòi khác sẽ hút cát lên khoang chứa. Cứ 3 chiếc tàu tập trung lại một điểm rồi lần lượt hút cát lên khoang. Ven bờ, từng tảng đất hàng chục tấn thi nhau rơi xuống nước. Những điểm nứt dài hàng chục mét lại chuẩn bị lở xuống dòng sông.

Cát tặc gây sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Krông Ana

Sau khi số tàu này hút cát đầy khoang nổ máy rời đi thì lại một lượt tàu khác đến tiếp tục công việc. Tính sơ sơ, mỗi điểm phải có vài chục lượt hút cát mỗi ngày và hàng trăm lượt hút cát dọc bờ sông. Tất cả đều là “tàu ma”, khai thác cát lậu giữa “thanh thiên bạch nhật” nhưng vẫn không thấy bóng dáng của chính quyền sở tại. Dòng sông càng ngày càng sạt lở nghiêm trọng.

Hàng chục hộ dân lo mất nhà vì cát tặc

Biết có PV Môi trường & Cuộc sống – Moitruong.net.vn về điều tra hoạt động khai thác cát trái phép, người dân thôn Đông Sơn rất vui mừng. Ông Hiệu, một người dân trong thôn, chua chát cho biết: “Ngày nào cũng thế, dọc đoạn sông này có hàng chục tàu đến đây để hút cát. Ngày trước, bờ sông cách chỗ tôi và anh đang đứng đây khoảng hơn 30m. Bây giờ, chỗ con tàu kia, họ dùng mũi khoan vòi rồng đâm xoáy vào bờ cho đất lở xuống để  lấy cát. Tất cả các tàu này là của một vài đầu nậu. Họ thuê người đi hút cát rồi ép người dân chúng tôi bán đất dọc bờ sông cho chúng để khai thác”.

Tiếp tục câu chuyện, ông Hậu cho hay: “Chắc anh thắc mắc tại sao chúng tôi phải bán đất cho họ đúng không? Bởi vì nếu không bán thì trước sau gì đất cũng bị sạt lở vì cát tặc. Với tốc độ khai thác cát trái phép như thế này thì sớm muộn gì dòng sông cũng  ăn vào tận thôn xóm, chúng tôi chỉ còn nước bỏ xứ mà đi thôi”. Chia sẻ đến đây, giọng nói ông Hậu trở nên nghẹn ngào và có phần uất ức.

Ép người dân bán đất để lấy điểm khai thác cát trái phép

Một người dân khác của thôn Đông Sơn tiếp lời: “Anh đừng bảo chúng tôi đi kêu cứu chính quyền địa phương. Chỉ có lên trời hoặc sang thế giới bên kia thì may ra mới kêu cứu được. Thôi trời không nghe đất thì đất phải chịu trời”.

Anh Hội, một người dân khác sống tại thôn Đông Sơn chia sẻ thêm: “Dọc bờ sông này có hàng trăm điểm khai thác cát. Chủ yếu họ dùng mũi khoan khoan vào bờ để hút cát, diện tích ngày càng thu hẹp. Tôi có miếng rẫy gần bờ sông, ngày nào cũng phải ra canh, nhưng ban đêm và thời điểm mùa mưa nước to thì chịu rồi, phải chấp nhận mất nương rẫy thôi. Rất nhiều lần bà con ra bờ sông ngăn cản không cho hút cát làm mất nương rẫy nhưng không được. Ở trên bờ, bà con ném đất đá xuống, dưới nước thì cầm dao mác hua lên hù dọa, nhưng đâu lại vào đó, không thể ngăn nổi. Nhiều bà con sau đó phải chấp nhận bán đất rẻ cho cát tặc, nếu không trước sau gì cũng mất rẫy, nương, thậm chí còn thiệt mạng nữa”.

Với tình trạng sạt lở do khai thác cát trái phép như hiện nay, người dân thôn Đông Sơn lo lắng phải bỏ xứ mà đi vì mất nhà, mất đất

Dẫn phóng viên ra xem những điểm sạt lở, anh Hội nói tiếp: “Có những chỗ họ mua của người dân cả hecta rẫy, có chỗ mua năm ba sào. Những chỗ sạt lở này không phải do nước lũ hay tự nhiên tạo ra mà do tàu bè hút cát tạo thành, dọc dãy sông này vô số chỗ”.

Trước thông tin mà người dân thôn Đông Sơn cung cấp cho thấy tình trạng khai thác cát lậu ngày càng manh động. Cát tặc tận thu nguồn lợi khoáng sản dọc bờ sông Krông Ana như một điều tất yếu, nhưng tuyệt nhiên chính quyền không có động thái ngăn cản. Và số nương rẫy sát bờ sông của người dân bị cát tặc ép bán nhằm mục đích khoan sâu vào để lấy cát, điều đó phải chăng là hợp pháp? Phải chăng chính quyền các cấp sở tại không hay biết, hay chính quyền bất lực? Còn nhớ có một thời điểm, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk tuyên bố rất hùng hồn sẽ giải quyết triệt để tình trạng cát lậu. Thậm chí, rất nhiều công văn đưa ra, chỉ đạo họp báo để giải quyết điểm nóng cát tặc nhưng thực tế thì ngày càng tồi tệ.

Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến tiếp theo về tình trạng khai thác cát cũng như bãi tập kết cát không phép qua các kì báo sau.

Bài và ảnh: Trần Thọ


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đắk Lắk: Cát tặc lộng hành, hàng chục hộ dân thôn Đông Sơn có nguy cơ phải bỏ xứ mà đi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.