– Dù đang mùa khô, nhưng từ 14 – 17/12 vừa qua, ở huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk đã có mưa lớn, gây ngập lụt cục bộ, sạt lở nhiều công trình giao thông, thủy lợi. UBND huyện M’Đrắk đã chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn.
>>> Kiến nghị tiếp tục khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê
>>> Kính hiển vi lực nguyên tử phát hiện ung thư chính xác đến 94%
Vừa qua, Mưa kéo dài đã gây lũ lớn, làm sạt lở tại đèo Dốc Cọp (thuộc Quốc lộ 19C) đoạn từ xã Ea Riêng đi xã Ea M’Đoal (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Toàn huyện có 13 công trình hồ, đập thủy lợi bị nước lũ tràn qua với độ cao từ 0,3 đến 1m. Tại xã Ea Mdoal, huyện M’Đrắk mưa lớn làm nước suối tại thôn 3 và thôn 4 dâng cao trên 2m, chia cắt giao thông khiến 22 em học sinh của trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi không thể đi từ trường trở về nhà.
UBND xã Ea Mdoal đã chỉ đạo lực lượng bố trí các em tạm trú tại hội trường thôn 3, chu cấp thức ăn, nước uống cho các em, sau khi mưa ngớt, nước lũ xuống thấp, các cán bộ xã đã đưa các em về nhà an toàn. Còn tại thôn 9, xã Cư Króa, lực lượng chức năng đã di dời khẩn cấp 7 người trong gia đình ông Thào Seo Phù ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá, không đảm bảo an toàn.
Chủ tịch UBND huyện M’Drắk Hòa Quang Khiêm cho biết, đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 14- 17/12 trên địa bàn huyện, ước thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng. Một số địa phương vẫn chưa thống kê hết những thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Khó khăn nhất của huyện hiện nay đó là hầu hết các hồ đập, hồ chứa, công trình thủy lợi đã bị nước lũ qua ngưỡng tràn, gây sạt lở, mất an toàn cao như các hồ: Hồ đội 4, hồ C19 xã Ea Riêng, hồ 36 xã Ea Mhlay, hồ chứa nước xã Ea Mdoal.
Huyện cũng tập trung chỉ đạo khôi phục diện tích sản xuất hoa màu phục vụ thị trường Tết 2019; bố trí nhân lực tại các hồ, đập thủy lợi bị sạt lở, có biện pháp cảnh báo an toàn. UBND huyện M’Đrắk cũng có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, kiến nghị hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. Ưu tiên hiện nay của huyện M’Drắk là tập trung gia cố, khắc phục các tuyến giao thông nông thôn bị hư hỏng, đảm bảo cho người dân lưu thông; rà soát, tiến hành di dời các hộ gia đình trong vùng có nguy cơ bị ngập, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Anh Nguyễn (t/h)