Anh Bùi Minh Bảo (thôn 2, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) luôn phập phồng lo lắng do việc trồng rau ngoài trời chịu nhiều tác động từ yếu tố bên ngoài. Điển hình là vụ rau tết năm 2017, vườn rau nhà anh gần như mất trắng. “Năm ấy thời tiết thất thường nên sâu bọ sinh sôi nhiều lắm. Chúng ăn trụi hết cả vạt rau, tôi nhổ đi trồng lại thì gặp cơn mưa trái mùa gây ngập úng hết. Vụ đó, tôi lỗ hơn chục triệu đồng tiền giống, thuốc, chưa kể công chăm sóc”, anh Bùi Minh Bảo nhớ lại. Bao phen lao đao vì thời tiết, năm 2018 anh Bùi Minh Bảo mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng làm nhà kính.
Mô hình trồng rau củ quả trong nhà kính
Từ khi trồng rau trong nhà kính, anh Bảo đã chủ động trong việc xuống giống và trồng được nhiều loại rau, củ, quả hơn như: Rau cải, xà lách, su hào, cà chua, đậu ve… Trong số các loại rau anh trồng, xà lách là loại khó trồng nhất, đặc biệt là ở thời điểm trái vụ. Bởi, loại rau này dễ bị ngập úng, hay bị sâu bệnh, tốn nhiều công chăm sóc nhưng khi trồng trong nhà kính thì mọi khó khăn trên đều được khắc phục. Anh Bùi Minh Bảo cũng nhàn thân hơn khi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Mỗi lần tưới, anh chỉ cần bật công tác điện, nước sẽ tự động phun đều vườn rau, không phải vất vả kéo ống dây tưới như trước.
Quá trình trồng, anh Bùi Minh Bảo luôn chú trọng mọi công đoạn từ làm đất đến thu hoạch. Ngoài chọn hạt giống chất lượng, anh còn chú tâm đến khâu xử lý kỹ lưỡng nguồn đất để tránh mầm bệnh phát sinh sau này. Anh ưu tiên dùng phân vi sinh, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Khi rau bị bệnh, anh trị bằng thuốc sinh học, bảo đảm thời gian cách ly từ 10 – 15 ngày mới thu hoạch. Để luôn có nguồn thu và đủ lượng rau cung cấp cho thị trường, anh trồng xen kẽ các loại rau củ quả với nhau. Từ ngày gieo đến khi thu hoạch, một lứa rau mất khoảng 20 ngày; còn các loại củ, quả khác thì thời gian lâu hơn một chút. Giá bán tùy vào từng thời điểm, trung bình từ 15-20 nghìn đồng/ký/rau, cà chua từ 20-30 nghìn/kg, xà lách từ 20-25 nghìn đồng/ký… Như vậy mỗi vụ rau, anh Bùi Minh Bảo thu về hơn 50 triệu đồng/ sào đất.
Cùng với đó, Cư M’gar là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và là vùng chuyên canh cà phê lớn của tỉnh Đắk Lắk với diện tích 36.000ha. Tuy nhiên, sau vài chục năm khai thác, đến nay đa phần diện tích cây cà phê đã già cỗi, dần được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho phù hợp. Ngoài diện tích chuyên canh cà phê có những phần đất không phù hợp trồng cây công nghiệp được người dân trồng rau màu với quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế không cao. Bởi vậy, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết.
Với mục tiêu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, huyện Cư M’gar đang xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung với quy mô 50ha, chia thành nhiều phân khu chuyên biệt. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn giúp người dân hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ bền vững và là một trong những giải pháp để tăng năng suất cây trồng, bảo vệ môi trường.
Ông Trương Văn Chỉ, Bí thư Huyện ủy Cư M’gar, cho biết: “Thực hiện nghị quyết của Đảng, Nhà nước về chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã thực hiện nhiều mô hình khảo nghiệm trồng rau củ, trái cây theo hướng hiện đại, bước đầu thu được kết quả khả quan, điển hình là trông dưa lưới trong nhà kính của Trung tâm Dạy nghề Cư M’gar. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục xây dựng nghị quyết chuyên đề, sau đó tiến hành chuyển giao công nghệ cho bà con”.
Minh Anh (t/h)