Đắk Lắk thiếu nước cục bộ, đe dọa 300 ha rừng phải đối mặt với tình trạng khô hạn

16/03/2019 09:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hiện một số vùng khó khăn về nguồn nước ở tỉnh Đắk Lắk như Krông Pắc, Ea Kar, Krông Bông, Krông Buk… đã xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 300 ha cây trồng bị hạn, chủ yếu diện tích sản xuất ngoài kế hoạch.

300 ha cây trồng đang bị hạn khô hạn

Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát trển nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Vụ Đông Xuân 2018 -2019, toàn tỉnh có khoảng 252.000 ha cây trồng các loại cần tưới nước. Trong đó, khoảng 144.500 ha được tưới trực tiếp từ các công trình thủy lợi và 107.500 ha được tưới từ nguồn nước sông, suối, nước ngầm.

Nhiều diện tích cà phê, một trong những cây công nghiệp chủ lực của Đắk Lắk đang bị khô hạn do thiếu nước tưới

Để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho cây trồng trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi, hồ đập. Cụ thể, hiện toàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3. Đến cuối năm 2018, các hồ chứa cơ bản đạt cao trình mực nước thiết kế, tuy nhiên một số hồ tại phía Đông của tỉnh không đạt do lượng mưa thấp. Đến thời điểm hiện tại, mực nước tại các hồ chứa phổ biến khoảng 40-50% so với dung tích thiết kế, một số hồ nhỏ gần đến mực nước chết và 14 hồ đã cạn khô.

“Hiện một số vùng khó khăn về nguồn nước như: Krông Pắc, Ea Kar, Krông Bông, Krông Buk… đã xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ. Toàn tỉnh đã có khoảng 300 ha cây trồng bị hạn, chủ yếu diện tích sản xuất ngoài kế hoạch ở huyện Krông Bông. Căn cứ tình hình thời tiết, nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn hiện nay dự kiến thời gian tới mức độ hạn hán sẽ tăng cao, tình hình thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt xảy ra trên diện rộng, đặc biệt trong thời kỳ cuối vụ Đông Xuân (cuối tháng 3, đầu tháng 4).

Do đó, công tác chống hạn bảo vệ sản xuất, đảm bảo nước sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng đối với ngành Nông nghiệp nói riêng và các cấp chính quyền trong toàn tỉnh nói chung”- ông Dũng cho biết.

Các giải pháp ứng phó khô hạn

Trước thực trạng khô hạn cùng những dự báo sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với các địa phương trên địa bàn để đề ra kế hoạch chống hạn. Đặc biệt, từ đầu tháng 11/2018, Sở này cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo công tác ứng phó với hạn hán trong vụ sản xuất Đông Xuân năm 2018 – 2019.

Tập trung một số giải pháp cơ bản cụ thể như: Cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sản xuất cây ngắn ngày phù hợp, đặc biệt giảm diện tích lúa nước; dừng sản xuất đối với diện tích không đảm bảo đủ nước tưới đến khi thu hoạch; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, thời vụ phù hợp.

Các vườn tiêu của nông dân Đắk Lắk có nguy cơ bị chết hoặc thất thu nếu hạn hạn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường quản lý nguồn nước, điều tiết cấp nước tưới luân phiên; khuyến khích áp dụng các công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới phun mưa, nhỏ giọt; lập kế hoạch cấp nước theo thứ tự ưu tiên: Nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao,…

Đồng thời với các giải pháp trên, UBND tỉnh cũng chỉ đạo phổ biến thông tin dự báo về hạn hán do ảnh hưởng El Nino đến người dân; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác chống hạn, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm; huy động toàn dân tham gia làm thủy lợi và kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quản lý công trình gây thất thoát nguồn nước,.

An Nhiên (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đắk Lắk thiếu nước cục bộ, đe dọa 300 ha rừng phải đối mặt với tình trạng khô hạn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.