Ghi nhận của phóng viên tại các hệ thống siêu thị ở Hà Nội, đa dạng các loại hàng hóa với nhiều mẫu mã, thiết kế đẹp mắt đang được bày bán, phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân. Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu thì những sản phẩm quà Tết cũng được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, lựa chọn. Các gian hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết được trưng bày bắt mắt với mức giá phải chăng. Nhiều người tiêu dùng đánh giá, nguồn hàng Tết được cung cấp năm nay tương đối đầy đủ, dồi dào.
Ông Đỗ Xuân Cương, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội: “Tôi thấy các mặt hàng ở siêu thị rất phong phú, đa dạng, nhiều mức giá khác nhau nên đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Tôi chỉ chọn hàng Việt Nam là chính thôi bởi chất lượng, bởi tôi thấy hàng Việt Nam gần đây đã đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng sản phẩm và mẫu mã tôi thấy hài lòng với mình trong dịp Tết này.”
Năm nay, kinh tế dần phục hồi, người dân có xu hướng tăng chi tiêu cho việc mua sắm Tết. Chị Hoàng Hồng Hạnh, quận Đống Đa, TP.Hà Nội chia sẻ: “Năm ngoái do ảnh hưởng của Covid thì mình có hạn chế và tính toán khi mua sắm đồ, năm nay mọi thứ đã trở lại bình thường mình thấy mọi người mua sắm cũng thoải mái hơn. Giá cả tại siêu thị thì cũng giảm giá nhiều, hợp lý hơn.”
Theo quan sát, các mặt hàng thiết yếu như rau xanh, thực phẩm tươi sống... được bày đầy ắp trên các kệ hàng của siêu thị với số lượng hàng hóa tăng khoảng 50% so với ngày thường. Đại diện một hệ thống siêu thị cho biết, năm nay, dự trữ hàng hóa ước tính tăng khoảng 10 – 12%, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng khoảng 4 – 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các siêu thị cũng đã có các phương án tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm thời vụ mùa Tết. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng hàng hóa cũng đã được quán triệt nhằm đảo bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị BigC Thăng Long cho biết: “Chúng tôi có bộ phận kiểm tra chất lượng, khi hàng hóa vào thì chúng tôi luôn luôn kiểm tra các sản phẩm đầy đủ về tem nhãn, đầy đủ về chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra chúng tôi cũng kiểm tra ngẫu nhiên và định kỳ với các sản phẩm nhập vào, nếu không đảm bảo chất lượng chúng tôi sẽ trả lại cho nhà cung cấp.”
Không chỉ kiểm tra, kiểm soát thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và điểm bán hàng trực tiếp, Chương trình giám sát hoạt động mua bán thực phẩm dịp Tết trên không gian mạng cũng được ban hành và phối hợp giữa các cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: “Hàng năm thì Quản lý thị trường sẽ ban hành các kế hoạch cao điểm yêu cầu 63 địa phương xây dựng các kế hoạch của mình tập trung các tháng cao điểm trước trong và sau Tết nhằm đảm bảo cho người dân có những hoạt động mua sắm tin tưởng, làm cho doanh nghiệp chân chính có niềm tin vào cơ chế điều hành của Nhà nước.”
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết: “Bộ Công Thương đã giao cho Tổng cục QLTT có một đề án chuyên đề về quản lý chất lượng hàng hóa, trong đó có hàng hóa thực phẩm trên các kênh thương mại điện tử (TMĐT). Thêm vào đó Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước triển khai một Chương trình nhận diện hàng Việt Nam, trong đó có hàng thực phẩm an toàn bán trên các kênh TMĐT, và có chương trình làm ra những điểm bán hàng TMĐT trên không gian mạng, đảm bảo an toàn thực phẩm và tuyên truyền đến người tiêu dùng.”
Theo đó, để bảo đảm cung ứng hàng hóa cuối năm Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường 63 tỉnh, thành sẽ tập trung ngăn chặn hàng kém chất lượng tuồn vào thị trường tiêu thụ trong dịp Tết. Với nhiều phương án chuẩn bị kỹ lưỡng của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ được bảo đảm với giá cả bình ổn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của người dân.