Thời gian gần đây, khu vực ven bờ và tuyến đê sông Mã, sông Chu qua địa bàn huyện Vĩnh Lộc và Thiệu Hóa (Thanh Hóa) xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của đê cũng như nhiều hộ dân sống gần khu vực sạt lở. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã lên phương án khắc phục tình trạng sạt lở.
Ghi nhận tại hiện trường điểm sạt lở bờ sông Mã, đoạn qua xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc của ngành chức năng cho thấy, chiều dài cung sạt khoảng 155 m, vết sạt lở có chiều dựng đứng với chiều cao 6,8 m. Các điểm sạt lở này bắt đầu xuất hiện từ ngày 17/2 và đến nay vẫn tiếp tục sạt lở thêm.
Điều đáng nói là khoảng cách từ điểm sạt lở đến khu vực dân cư ngày càng được thu hẹp, hiện tại khoảng cách là 35m. Tình trạng sạt lở khiến nhiều hộ dân sống gần khu vực hiện trường đang bị đe dọa nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn cao nếu tình trạng sạt lở không được xử lý kịp thời.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với huyện Vĩnh Lộc, chỉ đạo Hạt quản lý đê điều tiến hành quan trắc chặt chẽ, đánh giá chính xác nguyên nhân, mức độ, đồng thời tổ chức trực theo dõi diễn biến sạt lở bờ sông, khoanh vùng tại các điểm sạt lở, cắm cọc tiêu, lập hàng rào bảo vệ và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết khu vực nguy hiểm.
Cung sạt lở kéo dài hàng trăm mét
Về phía UBND huyện Vĩnh Lộc cũng chỉ đạo xã Vĩnh Ninh chủ động chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, phương tiện, sẵn sàng xử lý tình huống, cử cán bộ trực 24/24, cấm người dân chăn thả gia súc, gia cầm gần khu vực bị sạt lở.
Theo nhận định của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở nêu trên là do giữa lòng sông Mã có cồn cát chia dòng sông làm hai. Dòng chảy phía bờ hữu sông Mã có xu hướng bị bồi lấp, trong khi dòng chủ lưu áp sát phía bờ tả gây hiện tượng sạt lở bờ sông.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng đã có văn bản yêu cầu huyện Vĩnh Lộc khẩn trương triển khai các phương án xử lý điểm sạt lở nêu trên trước ngày 28/2, theo phương châm 4 tại chỗ để lái dòng chảy ra xa bờ, nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông tiếp tục xảy ra. Đồng thời, có trách nhiệm rà soát, kiểm tra trên toàn tuyến đê sông Mã đoạn qua địa bàn huyện để báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có phương án xử lý, kịp thời, triệt để tình trạng sạt lở trước mùa mưa bão năm 2017.
Sạt lở đe dọa đến sự an toàn của nhiều hộ dân sống gần khu vực hiện trường
Không chỉ sạt lở trên tuyến sông Mã đoạn qua xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc mà tình trạng sạt lở còn xuất hiện trên tuyến đê sông Chu, đoạn qua địa bàn xã Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa. Chiều dài cung sạt là 154 m, vết sạt dựng đứng với chiều cao 4,5 m và vẫn đang tiếp tục sạt lở.
Qua tìm hiểu được biết, tình trạng sạt lở xuất hiện từ giữa tháng 2/2017. Qua kiểm tra của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh và huyện Thiệu Hóa thì nguyên nhân là do dòng chủ lưu áp sát bờ tả sông Chu, cộng với địa chất bãi sông phía bờ tả chủ yếu là đất cát pha dẫn đến hiện tượng sạt lở.
UBND huyện Thiệu Hóa đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai xử lý tình trạng sạt lở nêu trên. Chính quyền địa phương đã tổ chức cắm mốc, biển báo, đo vẽ, cập nhật tình trạng sạt lở.
Theo Dân Trí