Đánh giá kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050

Thanh Thảo|28/03/2024 17:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 28/3, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp với Viện Năng lượng Việt Nam (IOE) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đánh giá các kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050” nhằm cung cấp thông tin và thảo luận về quá trình chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.

Xem video: Đánh giá kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050

Theo đó, từ đầu năm 2023, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Viện Năng lượng Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu để đánh giá các kịch bản chuyển đổi năng lượng của các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam, tập trung vào ba nhà máy: Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong. 

Tại Hội thảo, các diễn giả đến từ UNDP và Viện Năng lượng đã mang đến cho người tham dự những thông tin tổng quát và cập nhật mới nhất về quá trình chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế về công nghệ tốt nhất hiện có, về chi phí, lợi ích và tác động tiềm tàng của quá trình chuyển đổi. 

1711602612971.jpg
Hội thảo thu hút đông đảo người tham dự 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong một phần tư thế kỷ qua. Trong đó, than vẫn là nhiên liệu chính để sản xuất điện năng trong nước, chiếm gần một nửa nguồn cung cấp điện. Sự phụ thuộc vào sản xuất điện từ than đặt ra những thách thức đáng kể cho quá trình khử cacbon trong ngành năng lượng của Việt Nam. Khi Việt Nam nỗ lực đạt được mục tiêu toàn cầu do Thỏa thuận Paris đặt ra, điều bắt buộc là phải tìm ra các con đường dẫn tới mức phát thải ròng bằng 0.

screenshot-2024-03-28-151732.png
Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc phát biểu tại Hội thảo

Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam - ông Lê Việt Cường cũng nhấn mạnh trong Hội thảo, các kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050 được xem là một trong những giải pháp đóng vai trò hết sức quan trọng trong lộ trình chuyển đổi năng lượng của việt Nam. 

Từ đó, dự án nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu bước đầu hỗ trợ cho các cơ quan chức năng, các nhà đầu tư, các nhà máy nhiệt điện, các doanh nghiệp ngành than, các tổ chức tài chính… có được bức tranh tổng thể về công nghệ chuyển đổi, chi phí đầu tư, về những tác động và lợi ích thu được của việc chuyển đổi. Đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam và là bước khởi đầu cho nhiều nghiên cứu khả thi của các nhà máy nhiệt điện than cần chuyển đổi năng lượng.  

Báo cáo của nghiên cứu chỉ ra, các kịch bản chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam bao gồm: Thứ nhất, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng xanh (Sinh khối, amoniac xanh, hydro xanh, khí thiên nhiên); thứ hai, Chuyển đổi các nhà máy NĐT sang nhà máy lưu trữ, bù công suất, điện linh hoạt, điện hạt nhân và thứ ba, Đóng cửa các nhà máy NĐT cũ, kém hiệu quả.  

Tuy nhiên, theo kết quả của nghiên cứu, việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam dự kiến sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách cũng như yếu tố kỹ thuật. 

Trong Hội thảo, các đại diện của Viện Năng lượng cũng trình bày chi tiết về phương án chuyển đổi của 3 nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Cao Ngạn và Vân Phong, các gói hỗ trợ tài chính tiềm năng và phương hướng thực hiện. Hội thảo cũng được lắng nghe nhiều ý kiến tham luận hữu ích của đại diện các đại biểu tham dự.

Bài liên quan
  • Nhiệt điện than không còn sự cố, điện mặt trời được huy động cao
    Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, tổng sản lượng huy động từ thuỷ điện ngày 5/7 đạt khoảng 262,2 triệu kWh, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 5/7 đạt 864,9 triệu kWh. Huy động cao điện mặt trời, một số tổ máy của các hai nhà máy nhiệt điện bị sự cố đã khởi động, hoà lưới trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá kịch bản đưa nhiệt điện than tại Việt Nam về mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050