Đất ngập nước ở Việt Nam và vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu - Bài 2: Hoàn thiện hành lang pháp lý thu hút nguồn lực

Minh Hiển|05/04/2023 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việt Nam đã và đang nỗ lực trong xây dựng hệ thống thể chế, chính sách. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước.

Hoàn thiện thể chế chính sách

Hiện nay, nhờ tính đa dạng của các kiểu loại ĐNN đã tạo nên sự phong phú về loài, cung cấp lương thực, thủy sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt gần 10 tỷ USD (năm 2016). Vì vậy, việc bảo tồn, phát triển bền vững các vùng ĐNN giàu tài nguyên và ĐDSH luôn được Việt Nam xác định là một trong những mục tiêu phát triển bền vững của đất nước thời gian qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH đều chung nhận định: Công tác quản lý ĐNN ở Việt Nam còn gặp không ít khó khăn như: ngày càng chịu tác động mạnh mẽ do các hoạt động phát triển kinh tế của con người và của biến đổi khí hậu dẫn đến nhiều vùng ĐNN đã bị biến mất; diện tích các vùng ĐNN bị suy giảm do sức ép khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên dẫn đến ĐDSH bị suy giảm, số lượng các loài nguy cấp, quý hiếm đang ở mức đe dọa do đánh bắt quá mức.

dat-ngap-nuoc-3.jpg
Vườn quốc gia Xuân Thủy là khu rừng ngập mặt đầu tiên của Đông Nam Á tham gia công ước quốc tế RAMSAR.

Đáng lo ngại, một số khu vực ĐNN tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị xây đê bao ngăn lũ, khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị cô lập và giảm kết nối với khu vực chung quanh. Mặt khác, hệ thống pháp luật về ĐNN ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành, lĩnh vực liên quan đến ĐNN còn thiếu sự thống nhất và chưa rõ ràng như: việc quản lý, phục hồi, sử dụng bền vững các vùng ĐNN có giá trị ĐDSH chưa được quy định đầy đủ; thiếu quy định về cơ chế chia sẻ lợi ích các bên liên quan trong sử dụng tài nguyên ĐNN; thiếu các chính sách hỗ trợ cho công tác bảo tồn ĐDSH vùng ĐNN...

"Gỡ" nút thắt pháp lý

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN và thứ 50 trên thế giới chính thức tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước (Công ước Ramsar).

Nghị định số 109/2003/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên quy định trực tiếp đến bảo tồn, sử dụng bền vững đất ngập nước, góp phần thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam là quốc gia thành viên Công ước Ramsar.

Tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.

Đến năm 2025, Việt Nam hoàn thành việc điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.

Đến năm 2030, các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường; chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar; năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường.

Để thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ, 6 nhóm giải pháp được tập trung gồm: hoàn thiện các văn bản chính sách, pháp luật về quản lý các vùng đất ngập nước; tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về đất ngập nước; đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước.

dat-ngap-nuoc-2.jpg
Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên quan trọng như các hồ, đầm, rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước ven biển rất có giá trị về đa dạng sinh học.

Tại Hội nghị các bên tham gia lần thứ 14 Công ước Ramsar diễn ra vào cuối năm 2022, Đoàn Việt Nam đã tham dự nhiều sự kiện chính thức và bên lề Hội nghị nhằm học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về quản lý và bảo tồn đất ngập nước. Các đại biểu quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng khung pháp lý bảo tồn đất ngập nước; các quy định của Luật Bảo vệ Môi trường và Nghị định số 66/2019/NĐ-CP về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; hiện trạng bảo tồn chim hoang dã di cư và các nhiệm vụ đặt ra tại Chỉ thị số 04/CT-TTg của Chính phủ; các nội dung ưu tiên trong bảo tồn đất ngập nước và chim nước di cư tại Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học.

Để đảm bảo thực hiện hiệu quả Công ước Ramsar trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên hoàn thiện cơ chế, chính sách cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tăng cường tính thực thi pháp luật và đảm bảo các nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các vùng đất ngập nước trên toàn quốc.

Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước thông qua việc thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước, đảm bảo cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan. Việc mở rộng các khu Ramsar và đẩy mạnh hoạt động của Mạng lưới các khu Ramsar cũng sẽ góp phần tăng cường hiệu quả quản lý, đảm bảo duy trì các đặc tính sinh thái của khu đất ngập nước. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thống kê, kiểm kê, điều tra, đánh giá và quan trắc các vùng ĐNN, nhất là các vùng có vị trí quan trọng cấp quốc gia, quốc tế; Coi trọng xây dựng, bảo đảm nguồn lực con người, tài chính, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, bảo tồn, sử dụng các khu vực ngập nước; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và với các tổ chức quốc tế,… nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng ĐNN, góp phần phát triển kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất ngập nước ở Việt Nam và vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu - Bài 2: Hoàn thiện hành lang pháp lý thu hút nguồn lực