Hệ thống thuỷ lợi vùng ĐBSCL
Trong những năm gần đây ngành nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) đã đạt được những thành tựu to lớn, đóng góp đáng kể cho sự phát triển ngành thuỷ sản nói riêng và cho nền kinh tế quốc dân nói chung. Trong các hoạt động hỗ trợ cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thuỷ sản, chế biến thức ăn, sản xuất giống thuỷ sản, thú y và đặc biệt là công tác phát triển hệ thống thuỷ lợi là không thể không nhắc đến.
Trước đây, các hệ thống thuỷ lợi mới chủ yếu được phát triển phục vụ cho mục đích nông nghiệp là chính, thuỷ sản chỉ là hoạt động thứ yếu được hưởng lợi từ phát triển thuỷ lợi. Mặc dù vậy, phần lớn các hoạt động NTTS vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung hiện vẫn đang phải dựa vào sự hỗ trợ của hệ thống thuỷ lợi này (kênh mương, nguồn cấp thoát nước…) để phát triển do không có hệ thống riêng của mình. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận rằng việc xây dựng một hệ thống thuỷ lợi riêng biệt phục vụ cho NTTS trong khi đã có một hệ thống thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp tương đối phát triển là việc làm không thích hợp và rất lãng phí. Do đó, trong thời gian gần đây hoạt động phát triển thuỷ lợi mặc dù chưa hoàn toàn chính thức nhưng đã có những động thái nhằm thúc đẩy sự phát triển theo hướng phục vụ đa mục đích trong đó có phục vụ cho nuôi trồng thuỷ sản.
Nuôi tôm càng xanh xen canh cây lúa đem lại nguồn thu ổn định cho người nông dân Cà Mau.
Như chúng ta đã biết, hoạt động NTTS của Việt Nam chủ yếu được tiến hành ở vùng ĐBSCL – là vùng chiếm phần lớn cả về sản lượng và diện tích NTTS của cả nước với tổng diện tích có khả năng phát triển NTTS toàn vùng khoảng 1.377.800 ha và diện tích hiện đã đưa vào phát triển NTTS (2005) là 709.980 ha, tổng sản lượng NTTS (2005) đạt 1.014.590 tấn chiếm tới 72% tổng sản lượng NTTS toàn quốc. Với hiện trạng phát triển như vậy hoạt động NTTS vùng ĐBSCL cũng cần có các đầu vào tương ứng bao gồm cả con giống, thức ăn và đặc biệt là nguồn cấp và thoát nước – vốn phải dựa chủ yếu vào hệ thống thuỷ lợi hiện có.
Bên cạnh đối tượng nuôi chủ lực là con cá tra và tôm, nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và nghiên cứu sản xuất con giống nhân tạo, các địa phương vùng ÐBSCL đã phát triển nuôi ngày càng nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Các hình thức và mô hình nuôi thủy sản cũng được nghiên cứu, phát triển đa dạng như: nuôi trong hầm, ao, mương, nuôi vèo đặt trong ao, vèo trên sông, nuôi trên ruộng, nuôi trong bồn nhân tạo được xây dựng trên mặt đất, nuôi trong lồng bè đặt trên sông… Nhờ vậy, người dân có thể tận dụng tốt cả các diện tích mặt nước và khoảng đất trống để nuôi thủy sản. Với việc ứng dụng các bồn nhựa, bồn gỗ, xây bồn gạch trên mặt đất hay đơn giản là làm bể lót bạt cao su, hiện nông dân tại nhiều nơi không cần phải đào ao mà vẫn nuôi được nhiều loại thủy sản giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: lươn, ếch, ốc bươu đen, tôm thẻ… Bên cạnh nuôi thủy sản theo hướng chuyên canh, nông dân cũng chú trọng phát triển mô hình kết hợp giữa nuôi thủy sản và trồng trọt nhằm thích ứng tốt với các điều kiện sản xuất theo từng mùa vụ trong năm.
Hỗ trợ người dân
BÐKH, nước biển dâng và sự suy giảm lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đang có những ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng các loài thủy sản và việc phát triển NTTS tại vùng ÐBSCL. Song, vùng ÐBSCL vẫn có tiềm năng và triển vọng để phát triển nuôi cả các loại thủy sản nước mặn, nước lợ và nước ngọt nhờ tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình nuôi tiên tiến, cũng như việc nhiều loại thủy sản nước ngọt có khả năng sống trong điều kiện môi trường nước bị mặn khá cao. Tuy nhiên, để phát triển nuôi thủy sản đạt hiệu quả bền vững, ngoài yếu tố môi trường và kỹ thuật, thì rất cần đảm bảo về yếu tố kinh tế – xã hội, nhất là vấn đề đầu ra của sản phẩm.
Cũng bởi giá cả đầu ra nhiều loại thủy sản còn thường xuyên bấp bênh, chưa đảm bảo cho người nuôi có lời nên nông dân tại nhiều địa phương chưa dám đẩy mạnh NTTS. Trong khi đó, các cơ sở hạ tầng và nguồn con giống phục vụ cho NTTS tại nhiều địa phương cũng chưa được đảm bảo tốt. Ðồng thời, nông dân còn thiếu thông tin, kiến thức và kỹ năng để có thể nuôi đạt năng suất chất lượng, nhất là đối với các đối tượng nuôi mới. Người dân cũng gặp khó trong mở rộng quy mô NTTS do đòi hỏi vốn đầu tư lớn và phải thuê mướn nhiều nhân công lao động.
Đối với vùng nước ngọt: cần ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi nhằm chủ động việc cấp thoát nước, kiểm soát quá trình thâm nhập mặn và trữ nước ngọt.
Biện pháp thuỷ lợi cho các mục tiêu này là nạo vét lại hệ thống kênh mương sẵn có để cấp nước ngọt đồng thời đảm bảo việc thoát nước thải. Hệ thống cần đảm bảo yêu cầu tách biệt được vùng sinh thái nước ngọt với vùng sinh thái mặn và lợ.
Hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ cho vùng này có thể chỉ cần tận dụng hệ thống sẵn có phục vụ nông nghiệp tuy nhiên cần xem xét lại về quy mô cho phù hợp với từng tiểu vùng.
Hệ thống này cần được nhanh chóng hoàn thiện vừa để đảm bảo việc phục vụ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp – NTTS phù hợp với các vùng/tiểu vùng vừa đảm bảo tính ổn định của các vùng sinh thái, tránh các tác động xấu cả từ quá trình mặn hoá và ngọt hoá gây ảnh hưởng đến sản xuất.
Đối với vùng nước lợ: cần có các công trình thuỷ lợi phục vụ cho việc chuyển đổi mục đích sản xuất (trồng lúa chuyển sang nuôi tôm trong mùa khô và quay trở lại trồng lúa trong mùa mưa). Như vậy, hệ thống công trình này cần đảm bảo có thể lấy đủ nước mặn cho phát triển NTTS mặn lợ (chủ yếu là tôm sú) trong mùa khô và cũng cung cấp đủ nước ngọt và thoát nước trong mùa mưa phục vụ cả sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
Biện pháp thuỷ lợi cần được tiến hành cho vùng này là nạo vét hệ thống kênh mương các cấp, xây dựng hệ thống cống đầu kênh dưới đê để lấy nước mặn trong mùa khô phục vụ NTTS và lấy nước ngọt cũng như thoát nước thải trong mùa mưa. Quy mô, hình thức cũng như kết cấu cần được thiết kế để thực hiện được nhiệm vụ này.
Đối với vùng nước mặn ven biển: hệ thống thuỷ lợi trong khu vực này cần chú ý đến việc bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi ven biển, tránh các thiệt hại gây ra do triều cường, sóng biển hay bão gió… Ngoài ra, hệ thống công trình thuỷ lợi ở đây cần đảm bảo sự chủ động trong việc lấy nước mặn và thoát nước phục vụ NTTS hay việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp – NTTS hoặc thậm chí kết hợp nhiều hoạt động sản xuất (áp dụng các mô hình tôm – lúa, tôm rừng…)
Với đặc thù về điều kiện địa lí của vùng này, ngoài hệ thống công trình thuỷ lợi thông thường (kênh, mương, cống…) hệ thống thuỷ lợi trong vùng này sẽ cần có thêm hệ thống đê biển, đê cửa sông và công trình dưới đê. Các công trình này cần đảm bảo yêu cầu lấy nước mặn cho NTTS cũng như thoát nước và có thể phục vụ cho việc trồng lúa 1 vụ trong mùa mưa. Giống như các vùng khác kênh rạch ở đây cũng cần được thiết kế mới và cải tạo sao cho phù hợp với địa hình cụ thể vừa có thể làm nhiệm vụ cấp thoát nước vừa kết hợp tốt với mục đích giao thông đường thuỷ cũng như phục vụ cho việc di chuyển của tàu thuyền khai thác hải sản. Hệ thống thuỷ lợi nội đồng cần có các tuyến đê nhỏ với mục đích ngăn mặn, phân cách các vùng mặn, vùng nước ngọt, vùng chuyên NTTS, vùng kết hợp NTTS và nông nghiệp… Các cống xả phèn cho sản xuất lúa trong mùa mưa ở vùng này cũng cần được quan tâm để đảm bảo cho sản xuất lúa sau vụ NTTS
Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách đầu tư một cách tổng thể và đồng bộ cho hệ thống thuỷ lợi làm tiền đề cho phát triển NTTS bền vững. Cần sớm hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước cho người nuôi, đẩy nhanh việc giao hoặc cho thuê đối với các mặt nước đã được quy hoạch cho NTTS; Xây dựng chính sách huy động vốn phù hợp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển NTTS, tạo nguồn vốn lớn để thực hiện các dự án thuỷ lợi phục vụ các vùng NTTS tập trung, trước mắt là cho các vùng nuôi tôm, kể cả thuỷ lợi cho các vùng nuôi tôm trên đất cát ven biển để phục vụ NTTS bền vững. Chính sách tín dụng cho NTTS cần điều chỉnh cho phù hợp hơn, tăng nguồn vốn vay trung hạn và dài hạn phù hợp với chu trình sản xuất NTTS, đặc biệt là cho xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nhật Lệ