Để báo chí phát triển phải hoàn thiện pháp luật báo chí

Mai Hạ|12/11/2024 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay (12/11), Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng để báo chí phát triển trong thời gian tới, chúng ta phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan.

Chiều 12/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên họp.

12-tl.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Theo Chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung chất vấn với các nhóm vấn đề:

+ Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

+ Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng.

+ Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn.

Công cụ cơ bản của phóng viên hiện nay là công nghệ số, kĩ năng số, tư duy số

Đặt vấn đề về chất lượng đào tạo bậc đại học chuyên ngành báo chí, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho biết, giải pháp về nhân lực mà Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập để nâng cao chất lượng hoạt động báo chí hiện đang chỉ tập trung vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ pháp luật, đạo đức nhà báo. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết liệu có cần có thêm những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học chuyên ngành báo chí hay không? Và nếu điều này là cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp cụ thể nào?

12-qh-hung-chieu.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn tại phiên họp chiều 12/11 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chương trình đào tạo đại học cho phóng viên đã có từ lâu, chưa được điều chỉnh và chưa phù hợp với thời đại công nghệ số. Do đó, chương trình đào tạo này cần phải được cập nhật khung chương trình, nâng cao đào tạo công nghệ số, đồng thời tăng tỉ lệ đào tạo chuyên môn, tăng cường mời các nhà báo kinh nghiệm giảng dạy. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khung chương trình này, dự kiến chương trình này sẽ được ban hành trong năm nay.

Cũng liên quan đến đội ngũ người làm báo trong bối cảnh thời đại số, đại biểu Định Thị Ngọc Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng nhất của báo chí chính là con người. Có người làm báo giỏi mới có bài báo hay. Có chuyên gia giỏi mới có nội dung mới, có chiều sâu. “Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay đã tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với các cơ quan báo chí. Lực lượng làm báo chí chưa thích ứng kịp thời với môi trường truyền thông số. Nội dung và hình thức thông tin báo chí còn đơn điệu, nghèo nàn, một chiều và thụ động. Trong khi đó, nhu cầu tiếp nhận, chủ động chia sẻ, kết nối và tham gia sáng tạo của cộng đồng công chúng lại ngày càng gia tăng nhanh chóng”, đại biểu nêu thực tế.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Định Thị Ngọc Dung, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, công cụ cơ bản của phóng viên hiện nay là công nghệ số, kĩ năng số, tư duy số, văn hóa số; phóng viên phải tự trau dồi vì môi trường số thay đổi rất nhanh.

Về đào tạo kĩ năng số chuyên sâu cho phóng viên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, đây là vấn đề của cơ quan báo chí, phải đầu tư thì mới duy trì được tính cạnh tranh trên không gian số. Khi nâng ngạch phóng viên, Bộ Thông tin và Truyền thống sẽ đưa nội dung chứng chỉ về kỹ năng số, đây là điều kiện bắt buộc thi đối với phóng viên để làm việc, các cơ quan báo chí chủ quản có thể hỗ trợ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động theo luật pháp khác, không giống với hệ thống luật pháp của Việt Nam, do đó gây khó khăn trong việc yêu cầu họ tuân thủ luật pháp Việt Nam. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua Bộ TTTT đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỉ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10-20% năm 2018 đến nay là tỉ lệ trên 95%, thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng, trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng, đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.

Hiện nay các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố…; đồng thời hiện có thể xác định được danh tính khi vi phạm. Đặc biệt nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ TTTT về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài, đồng thời tuân thủ luật pháp của Việt Nam trong những hợp đồng với khách hàng.

Cùng với đó, các mạng xã hội đã đóng thuế tại Việt Nam được hai năm rưỡi. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chúng ta đã thu được khoảng trên 20.000 tỉ đồng và tăng khoảng 6 lần so với những năm trước, đây cũng là một dấu hiệu rất tích cực.

12-qh-ltquang.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trả lời tại phiên chất vấn

Làm rõ một số hậu quả, hệ lụy liên quan đến tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định, tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu.

Các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trên mạng xã hội hiện nay như: hành vi gây tạo dựng làm tán phát, đăng tải, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của các tổ chức, cá nhân, gây những thông tin hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân…

Một số đối tượng lợi dụng chức năng phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội để phát ngôn, tuyên truyền những nội dung mà chứa tin giả, tin sai sự thật, tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội và tình hình an ninh trật tự. Hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán, tài chính bất động sản; có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, còn nổi lên một số các hành vi đáng chú ý khác như hành vi lập, sử dụng hội nhóm tiêu cực, tác động gây nhận thức lệch lạc, kích động những hành vi lệch chuẩn, bạo lực, cổ súy những hủ tục mê tín dị đoan, đồi trụy, kích dục như đại biểu đã phản ánh; hành vi tạo lập hội nhóm để thông tin đối phó, kích động, phản kháng, chống đối lại lực lượng chức năng…

Về các giải pháp cho tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thứ nhất nắm tình hình, đấu tranh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mạng xã hội. Trong đó, trách nhiệm pháp lý đối với các đối tượng đưa tin giả tin sai sự thật theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo nghị định của Chính phủ và các điều của Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe (từ 5 đến 10 triệu đồng); thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Ví dụ, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng, trong khi đó chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do vậy, trong kiến nghị xử lý theo hướng không cần xem xét đến hậu quả xảy ra đối với những hành vi này để xử lý đủ sức răn đe.

Thứ hai, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tin giả, tin sai sự thật; đồng thời tuyên truyền định hướng dư luận ý thức cảnh giác của người dân, nhất là những người sử dụng mạng xã hội để tạo ra được sức đề kháng đối với tin giả, tin sai sự thật, nhất là những thông tin xuyên tạc, kích động để đấu tranh vạch trần thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, mạng xã hội.

Bộ Công an, khi hợp tác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước đều thống nhất đấu tranh và hợp tác chia sẻ thông tin; nguyên tắc không để cho bất cứ một tổ chức, cá nhân nào đưa thông tin giả, tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân của nước khác.

Hướng tới kinh tế số, kinh tế xanh lĩnh vực công nghệ thông tin là then chốt

12-qh-phoc.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Làm rõ một số vấn đề liên quan được nêu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời đại của chúng ta là thời đại công nghiệp 4.0, kinh tế đang hướng tới là kinh tế xanh, đặc biệt là kinh tế số, trong đó lĩnh vực công nghệ thông tin là then chốt. Để công nghệ thông tin phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến 05 trụ cột cốt lõi: hạ tầng về công nghệ thông tin; dữ liệu lớn; bảo mật công nghệ thông tin, an ninh mạng; nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin như AI, internet vạn vật, điện toán đám mây…

Về nhóm vấn đề báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí cách mạng đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử, tạo sự đồng thuận và niềm tin cho xã hội, định hướng dư luận và nêu gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những tấm gương để xã hội học tập.

Để báo chí phát triển trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta phải hoàn thiện pháp luật báo chí và pháp luật có liên quan. Tăng cường đào tạo và tập huấn để theo kịp với công nghệ, yếu tố của thời đại. Định hướng tuyên truyền và cung cấp thông tin chính xác, mới mẻ, đúng đắn và có tính thời sự cao. Siết lại tiêu chí, tôn chỉ, mục đích của báo và tạp chí hiện nay. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời. Đổi mới, tăng cường cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí, trong đó có chính sách thuế.

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi. Tại phiên chất vấn đã có 36 ĐBQH chất vấn, 09 đại biểu tranh luận.

Với kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và lần thứ 3 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, qua phiên chất vấn cho thấy, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin, truyền thông đã đạt được những kết quả tích cực. Báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng, thông tin tuyên truyền hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế như: còn tình trạng cơ quan báo chí, nhất là các tạp chí hoạt động chưa bám sát tôn chỉ, mục đích; một số cơ quan báo chí sa đà khai thác mặt trái, hạn chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để trục lợi.

12-man-chieu.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí bảo đảm chất lượng. Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thứ hai, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đầu tư phương tiện, hệ thống công cụ kỹ thuật thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin trên không gian mạng. Phát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số. Thúc đẩy xây dựng, công nhận nền tảng số đo lường dữ liệu độc giả của Việt Nam để công bố dữ liệu phục vụ cho quảng cáo trên báo chí.

Thứ ba, tiếp tục kiên cố hoá hạ tầng viễn thông, xây dựng các trạm thu phát sóng thông tin di động đến cấp huyện, xã. Trong năm 2025, phủ sóng viễn thông di động đối với các thôn đã có điện nằm ngoài khu vực khó khăn. Phối hợp với Bộ, ngành liên quan để phủ sóng viễn thông ngay sau khi triển khai điện lưới đối với các thôn chưa có điện. Tăng cường giám sát, thường xuyên đôn đốc các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Để báo chí phát triển phải hoàn thiện pháp luật báo chí
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.