Sáng nay (8/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Trả lời câu hỏi chất vấn về quy hoạch báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện nay, có 868 cơ quan báo chí gồm: Báo; tạp chí; đài Phát thanh truyền hình.
Chúng ta cũng nhận thấy, cần phải sắp xếp lại theo hướng: Mỗi một tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình có những lĩnh vực chuyên sâu của mình, để phản ánh được toàn cảnh xã hội hiện nay. Thời gian qua, hoạt động báo chí cũng có sự buông lỏng trong quản lý.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phủ nhận hiện tượng bán kênh, bán phụ trương, bán giấy phép với nguồn thu thiếu minh bạch
Theo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí; phía Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã ban hành kế hoạch. Theo đó, trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các hội (khoảng 40 hội). Năm 2020, thực hiện xong quy hoạch báo chí của Bộ, ngành và địa phương.
“Nhân đây xin phép các địa phương, các bộ, ngành và các đồng chí lãnh đạo quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Liên quan đến thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, mỗi người dân mà có khả năng phân biệt trên không gian mạng tin xấu, tin tốt, có khả năng phản biện đấu tranh với các thông tin tiêu cực thì đấy là giải pháp căn cơ.
Trước đây chỉ có một nguồn thông tin và chúng ta tin gần như vô điều kiện thông tin do Nhà nước đưa ra, nhưng bây giờ có hàng triệu tin trên không gian mạng vì ai cũng có thể đưa thông tin lên trên không gian mạng. Vì thế mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng.
Theo Bộ trưởng, chúng ta cần giáo dục con em mình, giáo dục trong nhà trường. Nếu chúng ta có kỹ năng phân biệt tốt, xấu thì cái xấu không tồn tại. Như bây giờ chúng ta lên không gian mạng, chúng ta đọc một tin xấu độc, vô hình trung chúng ta đã trả tiền, nuôi không cho thông tin xấu độc đấy.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Nếu chúng ta nhận dạng được tin xấu, độc và chúng ta không xem chúng thì nguồn tin đó sẽ không còn giá trị nữa, dần dần sẽ bị suy giảm, mất đi.
Sau phần Bộ trưởng trả lời về nội dung này, đã có 4 đại biểu giơ biển tranh luận. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi: Bộ trưởng nói tốt nhất là đừng có xem thông tin xấu, độc, tin giả trên mạng. Nhưng người sử dụng mạng, người dùng không xem thì làm sao biết nó là xấu.
“Vấn đề là người đọc phải tự bảo vệ mình, phải biết phân biệt được cái nào đúng, cái nào sai, cái nào thật và cái nào giả. Nếu không xem thì không biết gì hết”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
An Nhiên