Tết Hàn Thực (hay còn gọi là Tết Bánh Trôi) là một ngày lễ Tết truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt, được diễn ra vào ngày mùng 3/3 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp để con cháu hướng về cội nguồn thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn.” Vào ngày này, các gia đình Việt thường làm bánh trôi, bánh chay để dâng cúng tổ tiên.
Năm nay, Tết Hàn Thực rơi vào ngày thứ Hai (31/3 dương lịch).
Nguồn gốc Tết Hàn thực
Theo nghĩa chữ Hán, "hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Phong tục cổ truyền này có nguồn gốc từ Trung Quốc với điển tích Giới Tử Thôi chết cháy.

Chuyện kể rằng vào đời Xuân Thu (770-221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Trên đường lánh nạn, vua Tấn được hiền sĩ Giới Tử Thôi hết lòng phò trợ. Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Thậm chí, lúc lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi còn lén cắt một miếng thịt đùi của mình nấu dâng lên vua.
Sau khi biết sự việc, vua Tấn đem lòng cảm kích vô cùng. Thế nhưng, khi đoạt lại ngôi báu, lúc phong thần cho những người có công, vua Tấn lại quên mất sự giúp đỡ của Giới Tử Thôi.
Tuy vậy, Giới Tử Thôi vẫn không hề oán giận, ông trở về đưa mẹ già vào trong núi ở ẩn. Một thời gian sau, khi vua nhớ ra bèn cho người đi tìm nhưng Giới Tử Thôi không chịu về lĩnh thưởng. Vua thấy vậy hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra mặt nhưng lại khiến mẹ con ông bỏ mạng chốn núi rừng vào đúng ngày 3/3 âm lịch.
Cái chết của Giới Tử Thôi khiến vua đau lòng và ân hận. Vua Tấn cho lập miếu thờ, hạ lệnh kiêng dùng lửa suốt 3 ngày và chỉ ăn thức ăn nguội lạnh nấu sẵn. Hàng năm, cứ đến 3/3 âm lịch, người dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước.
Theo phong tục cổ truyền, ngày 3/3 âm lịch hàng năm là ngày tết Hàn thực, tưởng nhớ Giới Tử Thôi.
Bản sắc văn hóa Việt
Mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Hàn Thực đã được người Việt Nam sáng tạo và biến đổi theo bản sắc văn hóa riêng.
Tết Hàn Thực của người Việt còn được gọi là Tết bánh trôi bánh chay vì đây là hai loại bánh truyền thống được làm và dâng lên tổ tiên vào ngày này.
Bánh trôi được làm từ bột gạo nếp, nặn thành viên nhỏ, bên trong có nhân đường đỏ. Khi luộc chín, bánh nổi lên mặt nước, được vớt ra và rắc thêm vừng rang lên trên. Hình dáng tròn trịa của bánh tượng trưng cho sự viên mãn và tinh khiết.
Tương tự như bánh trôi, bánh chay cũng được làm từ bột gạo nếp nhưng có nhân đậu xanh. Bánh được nặn hình tròn dẹt, sau khi luộc chín được đặt trong bát và chan thêm nước đường gừng thơm ngọt.
Tết Hàn Thực ở Việt Nam chính là dịp để người Việt dâng lễ tổ tiên và Phật, thể hiện sự kính trọng và biết ơn về nguồn gốc của mình. Tết Hàn Thực cũng là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại giúp mỗi người nhận thức được bản sắc và gốc rễ của mình.

Trong ngày này, mọi người chuẩn bị mâm cúng ông bà tổ tiên và dâng lên Phật. Nhiều nơi còn có phong tục cúng thần hoàng để cầu mong an lành, bình yên cho quốc gia và dân tộc. Việc này không chỉ là sự tri ân đơn thuần mà còn là dịp để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những giá trị văn hóa, truyền thống đã được truyền đồng thời qua thế hệ.
Một trong những nét đẹp của văn hóa của ngày Tết Hàn Thực chính là đoàn viên. Đây là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng tham gia làm bánh trôi, bánh chay, cùng thắp hương cúng tổ tiên. Sau đó, cả gia đình sẽ cùng thưởng thức mâm cỗ Hàn Thực và chia sẻ những câu chuyện với nhau.
Trong văn hóa Việt Nam, bánh trôi, bánh chay không chỉ là món ăn ngon mà còn gợi nhớ đến một truyền thuyết lâu đời. Đó là câu chuyện về mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở ra trăm người con. Khi các con lớn khôn, Âu Cơ và Lạc Long Quân từ biệt nhau, trăm người con chia nhau đến các nơi cai quản. Một trăm người đó chính là tổ tiên của người Việt sau này.
Bánh trôi vừa nhỏ vừa tròn, bên trong có nhân đường hoặc đậu xanh, tượng trưng cho 50 người con theo mẹ lên rừng. Bánh chay là những chiếc bánh to, hơi dẹt, có vỏ bột gạo nếp và nhân đậu xanh, tượng trưng cho 50 người con theo cha xuống biển.
Một nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam được thể hiện qua hai loại bánh truyền thống là bánh trôi và bánh chay. Cả hai loại bánh đều được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo nếp, cho thấy sự phát triển của nền văn minh lúa nước từ hàng ngàn năm nay.
Đồng thời, đây cũng là cách để tôn vinh công sức lao động của người nông dân, một truyền thống tốt đẹp được duy trì qua các đời. Bánh trôi và bánh chay là những món ăn không những ngon mà còn mang ý nghĩa tâm linh trong các dịp lễ tết của người Việt.
Bánh chay có vỏ làm từ bột gạo tẻ, bên trong có nhân làm từ đậu xanh. Bánh có vỏ màu trắng, phần nhân màu vàng tươi sáng. Bánh chay mang tính âm, tương phản với bánh trôi mang tính dương. Âm dương giao hòa, thể hiện sự cân bằng và hài hòa của thiên nhiên và con người. Bánh trôi và bánh chay được dùng trong Tết Hàn Thực để cầu mong mùa hè không còn oi bức, thời tiết thuận hòa.
Một trong những nét đẹp của ẩm thực Việt Nam là sự phong phú và đa dạng, phù hợp với từng mùa và từng dịp. Bánh trôi, bánh chay không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn phản ánh sự sáng tạo và khéo léo của người Việt trong việc chế biến thực phẩm theo thời tiết. Bởi lẽ, tháng 3 là tháng chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè, khi nắng nóng bắt đầu xuất hiện. Người ta đã nghĩ ra cách làm những món bánh nguội, có vị ngọt thanh mát giúp giải nhiệt và bổ dưỡng.
Mâm cúng Tết Hàn Thực 2025 đầy đủ gồm những gì?
Theo đúng phong tục cổ truyền, mâm cúng phải có 3 hoặc 5 đĩa bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay.

Bánh trôi làm bằng bột nếp nhào nặn với nước, có nhân bằng đường. Đường làm nhân bánh trôi ngon nhất là đường phên Dương Liễu, Cát Quê; Bánh chay cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín. Loại bánh này được đựng trong bát, chan thêm một chút chè đường khuấy với bột đao hay bột sắn dây ướp hoa bưởi.
Mâm lễ để cúng gia tiên, lễ Phật với các món chính gồm: Hương, hoa, trầu cau, tiền vàng, hoa quả tươi, ly nước sạch và bánh trôi, bánh chay.
Trong tất cả các lễ cúng của người Việt, nén hương, hoa tươi, trầu cau và tiền vàng là những lễ vật không thể thiếu. Vì vậy, trong dịp tết Hàn thực, gia chủ cũng cần chuẩn bị những món đồ lễ này.
Gia chủ cần chuẩn bị thêm một mâm ngũ quả tươi, tốt nhất là ngũ quả đúng mùa với các màu sắc khác nhau như xanh, đỏ, vàng... tượng trưng cho ngũ hành.
Dù cúng Phật hay cúng gia tiên và không chỉ trong tết Hàn thực, gia chủ luôn phải chuẩn bị một ly nước sạch để bày lên bàn thờ. Theo nhiều người, ly nước này tượng trưng cho tâm của gia chủ.
Khi cúng phải dùng hoa quả tươi, tránh dùng hoa quả giả để cúng.
Theo các chuyên gia tâm linh, thời gian tốt nhất để thực hiện cúng Tết bánh trôi bánh chay là vào ngày đúng ngày mùng 3/3 âm lịch.
Khung thời gian đẹp trong ngày gồm: Ất Sửu (1h-3h); Mậu Thìn (7h-9h); Canh Ngọ (11h-13h) và Tân Mùi (13h-15h)
Tuy nhiên hiện nay, nhiều gia đình bận rộn với công việc không thể cúng đúng ngày thì có thể cúng trước đó 1- 2 ngày, tức là vào ngày mùng 1 và mùng 2/3 âm lịch cũng không sao song cũng không nên cúng quá sớm vì sẽ không thể hiện được đúng tinh thần, ý nghĩa của ngày Tết Hàn Thực 3/3.