Một nội dung đáng chú ý trong Báo cáo tác động chính sách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần 2 (sau đây tạm gọi là dự Luật BHYT sửa đổi) mà Bộ Y tế dự thảo đang lấy góp ý là đề xuất bổ sung quy định Quỹ BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng với một số đối tượng.
Cụ thể, những trường hợp này gồm:
- Người được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến thẳng cơ sở có chuyên khoa, năng lực chuyên môn kỹ thuật cao hơn, hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
- Một số trường hợp bệnh đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh BHYT, chuyển người bệnh giữa các cơ sở.
Đây là lần thứ 2 Bộ Y tế đưa ra dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách kèm theo Tờ trình và dự thảo Luật BHYT sửa đổi. Lần đầu vào tháng 2 năm nay. Việc lấy ý kiến lần này sẽ kết thúc vào ngày 12/10.
Trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi và Báo cáo đánh giá tác động chính sách của Bộ Y tế không nêu rõ "một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật, thủ thuật phức tạp hoặc sử dụng kỹ thuật cao" cụ thể gồm những bệnh nào.
Trong 42 bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ có ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim lần đầu, viêm đa khớp dạng thấp nặng, ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận), phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật thay van tim, bỏng nặng, bệnh cơ tim, bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ...
Cũng trong dự Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất nguyên tắc giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ để quy định cụ thể việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT hoặc thiết kế gói quyền lợi BHYT phù hợp theo nguyên tắc đóng - hưởng đối với các dịch vụ khám chẩn đoán để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh...
Theo đánh giá của Bộ Y tế, quy định này giúp tiết kiệm chi cho Quỹ BHYT do người bệnh không phải khám nhiều lần ở cấp dưới và khám lại ở cấp trên, từ đó góp phần giảm số lượt khám bệnh và tăng tính hiệu quả của mỗi đợt điều trị. Người dân tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí đồng chi trả trong trường hợp phải tự đi khám, chữa bệnh vượt cấp.
Như vậy, đề xuất trên sẽ tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ khám chữa bệnh; giảm các chi phí điều trị, chi phí đi lại, thời gian chờ đợi của người dân; góp phần đạt mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số.