Đề xuất cho Hà Nội tự quyết việc tăng phí, lệ phí

Hồng Anh|01/06/2020 10:01
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hàng loạt thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách với thành phố Hà Nội được phiên họp thứ 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận

Theo tờ trình Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình tại phiên họp 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 1/6, Hà Nội muốn được thí điểm tự quyết định thu phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí quy định trong luật.

Theo đó, Hà Nội được đề xuất thực hiện thí điểm: Thu phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; các khoản thu tăng thêm ngân sách thành phố được hưởng 100%…

Thành phố Hà Nội cũng được đề xuất hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).

Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, Chính phủ đề xuất cho Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội.

Hà Nội cũng sẽ được sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước), cho phép các quận sử dụng ngân sách của cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới….

Đối với quyền quyết định mức thu phí, theo Ủy ban Tài chính – ngân sách, không nhất thiết phải quy định mức tối đa bằng 1,5 lần mức trung bình, trao sự linh hoạt cho HĐND TP.

Đồng tình, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng “Hà Nội có thể thu phí gấp 3-4 lần mức chung, nhưng phải hợp lý và nhận được sự đồng thuận của xã hội”.

Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các nội dung mà Chính phủ trình, đồng ý trình Quốc hội xem xét, quyết định vào đợt 2 của kỳ họp thứ 9 này (bắt đầu từ ngày 8-6).

Hồng Anh

Bài liên quan
  • Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6
    Moitruong.net.vn – Tự ý cho thuê xe công bị phạt đến 20 triệu, cưỡng chế thi hành án thương mại, người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn…là những chính sách bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất cho Hà Nội tự quyết việc tăng phí, lệ phí