Thảo luận trên hội trường Quốc hội sáng 20/11 về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều đại biểu nhắc đến câu chuyện khủng hoảng nước sạch diễn ra thời gian qua.
Băn khoăn khi kinh doanh nước sạch không có trong danh mục kinh doanh có điều kiện, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị cần bổ sung và coi nước sạch là một trong những ngành nghề phải hạn chế người nước ngoài sở hữu.
Ông lo ngại trường hợp xảy ra xung đột, ví dụ, nhà đầu tư nước ngoài sau khi mua xong họ lại bán toàn bộ cổ phần cho nhà đầu tư nước khác, nhất là những nhà đầu tư ở thiên đường thuế, vốn chỉ vài nghìn USD.
Vì thế, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, đánh giá về việc nhà đầu tư nước ngoài mua, nắm giữ, chuyển nhượng cổ phần ở các công ty tư nhân cung cấp nước sạch trong nước.
Không phản đối tư nhân tham gia kinh doanh nước sạch nhưng ông Trương Trọng Nghĩa cho biết, một số quốc gia đã hạn chế việc chuyển nhượng vốn tại các lĩnh vực liên quan tới an ninh quốc gia và Việt Nam có thể “thiết kế công cụ tương tự”.
Sau vụ khủng hoảng nước sạch vừa diễn ra ở Hà Nội, đề xuất đưa nước sạch vào mục kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo vấn đề “an ninh nguồn nước”.
Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu (Đoàn Khánh Hòa) nhắc lại câu chuyện vừa xảy ra khi kẻ xấu đổ dầu thải vào nguồn nước do Công ty nước sạch Sông Đà cung cấp. Việc này đã ảnh hưởng tới sức khoẻ hàng triệu người dân thủ đô, chưa kể phải tốn chi phí sục rửa đường ống, bể chứa nước…
“Cảnh người dân xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước cách đây vài chục năm vừa lặp lại ở thủ đô sau sự cố đổ nguồn dầu thải và nguồn nước sạch sông Đà đã gây bất bình trong dư luận”, bà Thu nói, và đề nghị các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh nước sạch cần rà soát chặt chẽ và phải được luật hoá.
Phát biểu sau đó, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đỗ Ngọc Thịnh và Nguyễn Thị Xuân Thu cũng đồng tình, kinh doanh cấp nước sạch cần chịu sự kiểm soát của Nhà nước để tránh bất an trong xã hội. “Kinh doanh nước sạch phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không sẽ gây khó khăn cho quản lý Nhà nước, rủi ro sức khoẻ người tiêu dùng và ràng buộc trách nhiệm chính quyền địa phương trong giải quyết sự cố”, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ nói.
Hạnh Lê (t/h)