Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, mặt hàng ethanol được phân loại vào hai phân nhóm: Cồn ê-ti-lích chưa biến tính có nồng độ cồn tính theo thể tích từ 80% trở lên (mã HS 2207.10.00): thuế suất MFN (thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường) là 40%, bằng cam kết WTO. Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) năm 2018 đạt 1 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Mỹ chiếm 254 USD.
Cồn ê-ti-lích và rượu mạnh khác, đã biến tính, ở mọi nồng độ (mã HS 2207.20.11, 2207.20.19, 2207.20.90): thuế suất MFN là 17% đối với mã hàng 2207.20.11, 20% đối với mã hàng 2207.20.19 và 40% đối với mã hàng 2207.20.90. Đây là loại cồn (ethanol) sử dụng trong công nghiệp. KNNK năm 2018 là 31 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Mỹ đạt 17 triệu USD (chiếm 54%), Hàn Quốc đạt 13 triệu USD (chiếm 41%) và tập trung vào mã hàng 2207.20.19.
Ảnh minh họa
Theo Bộ Tài chính, trước đây, nhóm hàng này đều có mức thuế MFN đồng nhất là 20% nhưng với thực trạng các nhà máy sản xuất ethanol trong nước không đủ cung cấp ethanol để phối trộn xăng E5 trong năm 2018 và chắc chắn thiếu E10 từ sau ngày 1/1/2019 nên Bộ Tài chính đã điều chỉnh thuế từ 20% xuống 17%. Thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA, Hiệp định VKFTA đối với nhóm 22.07 là 0%.
Về sản xuất trong nước, để đảm bảo an ninh năng lượng, cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập cho người nông dân, Chính phủ đã đưa ra các chủ trương, chính sách phát triển nguyên liệu sinh học (NLSH) và để thúc đẩy phát triển NLSH, phát huy cao nhất lợi ích của NLSH đối với xã hội (Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển NLSH đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”). Trên cơ sở đề án này, tại Việt Nam có 6 nhà máy sản xuất ethanol để phối trộn làm xăng sinh học (một số nhà máy đang xây dựng thì dừng không xây dựng nữa). Tính đến thời điểm hiện tại thì đa số các nhà máy đã dừng hoạt động do thua lỗ, chỉ còn 1 nhà máy sản xuất ethanol là nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm đang hoạt động.
Nhu cầu sử dụng ethanol để pha chế xăng E5 RON92 trong nước khoảng 200.000m3/năm. Năng lực sản xuất ethanol của các nhà máy ethanol tại Việt Nam đạt 400.000 m3/năm. Như vậy công suất thiết kế các nhà máy trong nước có thể đáp ứng nhu cầu nội địa, tuy nhiên hiện vẫn phải nhập khẩu do đa số các nhà máy đã dừng hoạt động.
Vào cuối tháng 10/2019, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với các bộ, ngành, hiệp hội, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn dầu khí. Theo ý kiến các bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp thì hiện giá xăng sinh học thấp hơn xăng khoáng là 1.325 đồng/lít.
Để người tiêu dùng chuyển sang dùng xăng khoáng thì mức chênh lệch tối thiểu phải là 2.000 đồng/lít. Như vậy, với mức giá chênh lệch như hiện nay thì nếu giảm thuế nhập khẩu 5% cũng không đáng kể (giảm 100 đồng/lít đến 200 đồng/lít xăng E5 so với xăng khoáng), chưa đủ để người tiêu dùng chuyển sang dùng xăng sinh học.
Tuy nhiên, tùy mục tiêu đặt ra mà Bộ Tài chính cân nhắc lựa chọn phương án cho phù hợp. Các tổng công ty xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc giảm thuế nhập khẩu tốt cho doanh nghiệp nhưng về tổng thể không tác động nhiều cho việc giảm giá và ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất xăng sinh học.
Trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội và để cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ, Bộ Tài chính quyết định trình Chính phủ: Giảm thuế mặt hàng ethanol thuộc các mã hàng 2207.20.11 từ 17% xuống 15% và 2207.20.19 từ 20% xuống 15%.
Nội dung này được cơ quan soạn thảo đưa vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Minh Anh (t/h)