Đêm giao thừa lặng lẽ của những người mặc áo “blouse trắng”

Đức Hiếu|26/01/2020 08:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tết nghĩa là đoàn viên, Tết nghĩa là sum vầy. Thế nhưng với các y, bác sĩ hay các điều dưỡng viên, khoảnh khắc thiêng liêng của đêm giao thừa là những giờ phút vắng nhà để mang mùa Xuân, yêu thương đến người bệnh.

Một mùa Xuân nữa lại về, ai ai cũng hối hả hoàn tất các công việc còn dang dở của năm cũ để sớm được trở về đón Tết bên người thân và gia đình. Còn với những người làm trong ngành y, Tết vẫn là những ngày làm việc miệt mài, vẫn là những đêm trực vắng nhà. Niềm vui của họ trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới không phải là được chiêm ngưỡng những màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời. Mà niềm hạnh phúc của những người mặc blouse trắng là ca trực suôn sẻ, là niềm vui, sự hài lòng của người bệnh, là những giọt nước mắt hạnh phúc của những người cha, người mẹ khi được chào đón những công dân tí hon vào thời khắc thiêng liêng ấy.

Người thầy thuốc 20 năm đón giao thừa trong bệnh viện

Hơn 20 năm đón giao thừa ở bệnh viện, PGS-TS Ngô Thanh Tùng – Trưởng khoa xạ trị đầu cổ, bệnh viện K chia sẻ: “Dù biết sự vắng mặt của người chồng, người cha trong đêm giao thừa là sự thiệt thòi cho cả gia đình, nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận bởi đó là nghề mà tôi đã chọn.”

PGS-TS Ngô Thanh Tùng – Trưởng khoa xạ trị đầu cổ, bệnh viện K

Bản thân mình đã điều trị cho bệnh nhân ung thư đầu cổ tại bệnh viện K từ năm 1994. Với quan điểm “luôn luôn sẵn sàng” nên bệnh viện lúc nào cũng phải có bác sĩ trực. Những ngày nghỉ Tết, bệnh viện chia ra các cấp trực khác nhau. Như mình đây vì đã có kinh nghiệm lâu năm nên được trực “tham vấn”. Khi có ca phẫu thuật thì vấn đề tham vấn của các bác sĩ lâu năm rất quan trọng. Chỉ mong những kinh nghiệm mà mình tích lũy được suốt những năm tháng công tác tại viện giúp hành trang vào nghề cho nhiều thế hệ bác sĩ trẻ. Và sau cùng mà bất kỳ ai trong ngành y cũng mong muốn chính là mang lại niềm tin, sự sống cho người bệnh.

Đối với bệnh ung thư, bệnh nhân rất dễ chán nản. Đặc biệt, ngày Tết, nhiều bệnh nhân không có điều kiện về nhà và phải ở lại bệnh viện, họ rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Nhằm làm vơi đi nỗi nhớ nhà, mang lại một cái Tết ấm no cho người bệnh, bệnh viện cũng đã chuẩn bị quà Tết để làm món quà thăm hỏi động viên các bệnh nhân.

“Tôi chẳng khi nào được ở nhà đón giao thừa cả, Tết năm nào cũng vào khoa để thắp hương cho ông bà, tổ tiên. Cầu mong cho mọi người được an lành, có sức khỏe, bệnh nhân được bình an” – Bác sĩ Tùng vui vẻ nói.

Khi hỏi về những mong muốn trong ngày đầu năm mới, bác sĩ Ngô Thanh Tùng cười: “Trực Tết quen rồi, đương nhiên là mong ít bệnh nhân phải nhập viện trong những ngày Tết. Nhưng cũng chẳng mong họ cứ nấn ná ăn Tết ở nhà mà không vào viện, bệnh nặng hơn sẽ vô cùng nguy hiểm.”

Trực xuyên giao thừa là chuyện hết sức bình thường

Cũng là một bác sĩ có nhiều năm trong nghề, bác sĩ Trần Văn Đồng – Trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tranh thủ khoảng thời gian nghỉ trưa ít ỏi để kể cho tôi nghe những câu chuyện về công việc của họ trong đêm giao thừa và những ngày Tết.

Chuyện “mất” giao thừa vì cứu bệnh nhân không còn xa lạ với những bác sĩ khoa Cấp cứu. Nhớ lại những đêm giao thừa đã từng trải qua trong bệnh viện, bác sĩ Đồng chia sẻ: “Nghề Y là một nghề đặc thù. Thường thường ngày Tết là ngày sum họp gia đình nhưng đối với người làm nghề y thì hầu như được đón Tết chưa hẳn đã trọn vẹn bởi ngày Tết bác sĩ cũng phải trực.

Bác sĩ Trần Văn Đồng – Trưởng khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Với người Việt, Tết là lúc để người ta trở về, là lúc để hướng về gia đình. Tuy nhiên, với đội ngũ các y, bác sỹ thì Tết lại là những ngày lao động vất vả hơn cả. Trong thời khắc giao thừa hay trong những ngày đầu năm khi mọi người được sum họp bên gia đình thì họ, những người mặc áo blouse trắng vẫn hết mình, miệt mài với công việc.

Bệnh viện Nội tiết Trung ương được đánh giá là nơi “nóng” nhất mỗi dịp Tết đến. Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về các bệnh nội tiết, trong những ngày nghỉ Tết, trung bình, bệnh viện phải tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến thăm khám và điều trị.

Bác sỹ Đồng chia sẻ: “Bệnh liên quan đến nội tiết, chuyển hóa với nhiều dạng bệnh khác nhau. Ngày Tết, mọi người sẽ ăn nhiều tinh bột, đồ ngọt dẫn tới tình trạng tăng đường huyết. Có những năm đúng giao thừa, bệnh nhân đến với bệnh viện như người “mở hàng”, tình trạng sức khỏe nguy kịch, nhiều người rơi vào tình trạng hôn mê, đường huyết lên cao. Trong trường hợp như vậy, tập thể các y, bác sĩ chúng tôi phải nỗ lực hết mình để cứu mạng sống và cần mẫn để hồi sức cho bệnh nhân nhanh nhất có thể”.

Còn có những năm, đang đón giao thừa cùng gia đình thì nhận được cuộc gọi từ bệnh viện. Tuy bệnh viện đã có người trực nhưng do bệnh nhân nhập viện quá tải hoặc có nhiều ca bệnh nặng cần phải can thiệp, giúp đỡ thì các bác sĩ đang đón Tết ở nhà vẫn sẵn sàng vào viện để chăm sóc bệnh nhân.

Vào ngày Tết, hầu như ai cũng muốn ở bên gia đình, nhiều khi so sánh ngành y với những ngành khác, đôi lúc cũng hơi chạnh lòng vì thấy thương vợ, thương con. Tuy nhiên, khi đã xác định vào ngành y thì tôi đã chuẩn bị trước được tinh thần. Đó là không có ngày nghỉ, ngày lễ. Mọi người được đi chơi thì mình vẫn phải làm việc. Nhưng tất cả cũng vì sức khỏe của người bệnh.

Những gia đình có người làm trong ngành y thì chuyện sum vầy bên nhau trong bữa cơm đoàn viên là điều khó tưởng. Đặc biệt đối với những bác sĩ khoa hồi sức cấp cứu thì những ngày lễ, ngày Tết rất vất vả bởi lượng bệnh nhân có thể rất đông mà người trực thì có hạn.

“Trực Tết, chúng tôi chỉ mong không có bệnh nhân nhưng chẳng bao giờ mong muốn ấy thành hiện thực. Vì bệnh nhân vẫn ùn ùn nhập viện do xuất huyết tiêu hóa, đau dạ dày, ngộ độc rượu… Lý do là gặp nhau, chúc tụng nhau sẽ chẳng thể thiếu ly rượu đầu năm. Đó là phong tục lâu đời của người Việt. Chính vì vậy mà lượng rượu bia tiêu thụ khá lớn. Điều này càng làm gia tăng số ca mắc bệnh về tiêu hóa, dạ dày” – bác sĩ Đồng chia sẻ.

Đón Giao thừa ở bệnh viện bao giờ cũng rất thiêng liêng

“Đã nhiều năm đón giao thừa cùng bệnh nhân, với tôi, đây là những giờ phút rất thiêng liêng” – Đó là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Phong Lan, Bác sĩ điều dưỡng trưởng khoa Ngoại, bệnh viện K.

Với bệnh nhân, đón giao thừa ở bệnh viện là trường hợp bất đắc dĩ. Nhưng  với các Y, Bác sĩ đây là chuyện rất bình thường, dù là đêm 30, mồng 1, mồng 2 Tết, các Y, Bác sĩ luôn sẵn sàng túc trực ở bệnh viện để cấp cứu bệnh nhân vào bất cứ thời điểm nào.

Chính vì thế mà khi chọn nghề này, người thầy thuốc phải chấp nhận hy sinh để chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Được biết, năm nào bệnh viện cũng tổ chức đón giao thừa cho các Y, Bác sĩ và các bệnh nhân đang điều trị ở viện. Mọi người thay nhau tập trung về hội trường của khoa, cùng nâng ly rượu hồng, ăn miếng bánh và chúc nhau năm mới Bình An. Sau khoảnh khắc giao thừa thì lãnh đạo bệnh viện cùng các Y, Bác sĩ tới tặng quà, thăm hỏi, động viên các bệnh nhân.

 “Thực lòng, đến những ngày cận Tết, người người cùng nhau đi sắm Tết, cùng nhau dọn nhà, quây quần bên mâm cơm tất niên rồi nói cười vui vẻ mà mình thấy có chút ghen tị, nhưng vì có trách nhiệm với công việc, tôi phải gạt những chuyện đó đi để tập trung chăm sóc bệnh nhân được chu đáo. Nhiều lúc mỗi người điều dưỡng trực phải chăm sóc tới 5,7 người bệnh, làm việc cả ngày, cả đêm rất vất vả. Khi bệnh nhân khỏe lên, người ta cảm ơn mình, người ta chào hỏi thì mình cảm thấy vui lắm, từ đó sự mệt mỏi giảm bớt đi phần nào.” – Chị Lan bày tỏ.

Với các Y, Bác sĩ nhìn thấy người bệnh dần hồi phục sức khỏe trong dịp Tết chính là động lực để họ tiếp tục cố gắng thực hiện tốt ca trực của mình. Theo Bác sĩ Lan, ngành Y rất vất vả, trong đó khoa điều dưỡng thì có chút vất vả hơn. Hầu như năm nào vào những ngày đầu năm mới, lượng người vào cấp cứu đều chật cứng, không có chỗ cho người khỏe đứng vì tràn ngập cáng cứu thương. Bệnh nhân cấp cứu từ khắp nơi đổ về, nhất là từ ngày mùng 2 trở đi, số bệnh nhân cấp cứu tai nạn giao thông luôn đạt mức kỷ lục. “Mong rằng những ngày trực Tết năm nay sẽ là kỷ niệm vui chứ không phải chứng kiến sự đau đớn của người bệnh” – Bác sĩ điều dưỡng Lan tâm sự.

Hạnh phúc là được đón những công dân tí hon đầu tiên trong năm mới

Đến bệnh viện Phụ sản Trung ương một chiều cuối năm, phố phường đã rộn ràng đón năm mới nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rõ không khí làm việc hăng say, miệt mài của tập thể cán bộ, bác sĩ của bệnh viện.

Tiếp chúng tôi sau khi vừa thực hiện ca mổ cho một bệnh nhân người nước ngoài, bác sĩ Phạm Thị Thu Nga – Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, kỳ nghỉ, lễ Tết cũng như ngày thường, mỗi ngày một ca trực vì trong viện lúc nào cũng đông bệnh nhân.”

Bác sĩ Phạm Thị Thu Nga – Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Bác sĩ Nga đã vào nghề được 20 năm, đó cũng là khoảng thời gian nữ bác sĩ này dành cả thanh xuân và sự cống hiến tại viện Phụ sản Trung ương. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về nữ bác sĩ lại vui vẻ nhận nhiệm vụ trực Tết. Chị Nga nói: Tết thì chúng tôi vẫn nhận nhiệm vụ và ca trực như ngày bình thường, chỉ có năm nào nghỉ theo chế độ thai sản thì tôi không trực Tết. Mỗi cán bộ, công nhân viên trong viện không chỉ trực Tết theo lịch đã phân công mà còn trực thay cho các đồng nghiệp khác để họ có điều kiện vui xuân, đón Tết bên người thân.

Vất vả là vậy nhưng bác sĩ Nga luôn hết mình trong công việc. Trước tiên, cần có thời gian biểu và kế hoạch để cân bằng giữa công việc và gia đình: Khi quyết định chọn nghề y, tôi đã xác định, đây không phải công việc nhàn hạ. Những lúc mọi người được nghỉ ngơi, đi chơi thì mình vẫn phải đi làm, chẳng có thời gian ở bên gia đình để chăm sóc cho người thân và các con. Người ta say giấc thì chúng tôi vẫn phải thức, phải tỉnh táo để làm việc. Vì vậy mà những người làm trong ngành y luôn xác định sẽ không có ngày nghỉ, lúc nào cũng phải cố gắng để người bệnh sớm hồi phục sức khỏe.

Mỗi chuyên khoa, bệnh viện lại có các tuyến bệnh nhân khác nhau. Do đó, ca trực đêm giao thừa của mỗi y, bác sĩ cũng đều có những cảm xúc khác nhau. Với bác sĩ Nga, được đồng hành và giúp các sản phụ vượt cạn trong thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới là điều vô cùng thiêng liêng. Niềm hạnh phúc của các bác sĩ ở bệnh viện chúng tôi là khi được đón những công dân tí hon đầu tiên của năm đến với thế giới tươi đẹp này. Mỗi ca sinh mà mẹ tròn, con vuông không chỉ là niềm vui của mỗi gia đình, đó là món quà tinh thần vô giá trong năm mới với những người trong ngành y như tôi, nó khiến tôi càng thêm vinh dự, tự hào về công việc mà mình đã gắn bó suốt bao năm qua.

Chính những ý nghĩa cao đẹp này mà trực Tết có lẽ không còn là nhiệm vụ cá nhân, đó là việc làm từ lương tâm của người thầy thuốc. Chị Nga chia sẻ thêm: “Năm hết, Tết đến ai ai cũng muốn được trở về ngôi nhà thân yêu của mình nhưng vì bệnh tật, vì đau đớn mà họ phải ở lại bệnh viện. Nên càng thấu hiểu những vất vả ấy của người bệnh, tôi chỉ biết làm hết sức mình, cố gắng động viên để họ yên tâm điều trị bệnh và cũng mong phần nào làm vơi đi nỗi nhớ nhà, và sự đau đớn của người bệnh.”

Dịp Tết, thấy mọi người đưa con đi chơi Xuân, tôi cũng không khỏi chạnh lòng. Nhưng nghĩ lại, thấy còn biết bao công việc vất vả hơn. Chúng tôi vẫn được trực trong phòng ấm áp. Vào đêm giao thừa, bệnh viện cũng chuẩn bị bánh chưng, mứt Tết và những phong bao lì xì đỏ đầu năm mới cho các kíp trực và bệnh nhân phải ở lại viện dịp Tết. Đồng thời, ban lãnh đạo của bệnh viện cũng đến chúc Tết. Những việc làm tuy nhỏ thôi, đơn giản thôi nhưng cũng giúp chúng tôi yên tâm phục vụ người bệnh.

Gần 20 năm ăn Tết trong viện bên các đồng nghiệp và bệnh nhân, bác sĩ Nga tâm sự: Trong 5 năm liên tục đều trực Tết vào đúng thời khắc giao thừa, tôi nhớ nhất trường hợp sản phụ ở Lạng Sơn sinh con lần thứ tư. Vì đã vượt cạn nhiều lần nên để tránh nguy hiểm cho mẹ và con, gia đình đã đưa sản phụ lên viện chúng tôi. Đây là ca sinh khó, nên khi mẹ tròn, con vuông thực sự cả kíp trực rất vui. Vui vì một thiên thần đã ra đời vào đúng thời khắc đất trời giao hòa, mùa Xuân đến, sức sống mới, niềm hy vọng mới lại bắt đầu từ đây.

Xuân mang đến cho lòng người những cảm xúc đặc biệt, niềm lạc quan về cuộc sống tươi đẹp. Tết là khi đất trời giao hòa, để người người xích lại gần nhau, yêu thương nhiều hơn. Thế nhưng, với các Y Bác sĩ trên khắp mọi miền tổ quốc, Tết là lúc gieo hy vọng, thắp lên bao ước mơ về sự sống của bao người bệnh.

Đức Hiếu

Bài liên quan
  • Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An): Kiên quyết đấu tranh, xử lý vi phạm về môi trường
    Moitruong.net.vn – Năm qua, lực lượng Cảnh sát môi trường đã khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những kết quả, thành tích trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của đất nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an. Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi phỏng vấn Thiếu tướng Lê Tấn Tảo – Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường về những kết quả đạt được trong năm qua và kế hoạch hoạt động của lực lượng CSMT trong năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đêm giao thừa lặng lẽ của những người mặc áo “blouse trắng”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.