Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An): Kiên quyết đấu tranh, xử lý vi phạm về môi trường

Thu Hà (Thực hiện)|26/01/2020 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm qua, lực lượng Cảnh sát môi trường đã khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những kết quả, thành tích trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của đất nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an. Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có buổi phỏng vấn Thiếu tướng Lê Tấn Tảo – Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường về những kết quả đạt được trong năm qua và kế hoạch hoạt động của lực lượng CSMT trong năm 2020.

VIDEO: Cục cảnh sát PCTP về Môi trường kiên quyết đấu tranh, xử lý vi phạm môi trường

PV: Xin đồng chí đánh giá về những thành tích và khó khăn, vướng mắc của lực lượng Cảnh sát môi trường năm 2019.

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo: Năm 2019, tình hình tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm diễn ra khá phức tạp trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế của đất nước, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân như gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, lo lắng về thực phẩm kém an toàn… Đáng lưu ý là xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật và sự cố về môi trường ảnh hưởng trên diện rộng, tác động đến cuộc sốn của hàng vạn người dân, điển hình như: vụ ô nhiễm hóa chất sau sự cố cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội); ô nhiễm người nước của nhà máy cung cấp nước sạch sông Đà (Hòa Bình)…

Trước tình hình trên, trong năm qua, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh, trong đó, đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an ban hành nhiều kế hoạch, điện chỉ đạo giải quyết các vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm như: xử lý chất thải; nhập khẩu phế liệu; buôn bán động vật hoang dã; sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, vệ sinh… Năm 2019, lực lượng Cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện 20.319 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, làm rõ 21.194 tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về môi trường. Xử phạt vi phạm hành chính 16.302 vụ; phạt tiền 220,359 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra các cấp khởi tố 263 vụ, 474 đối tượng.

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo – Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trả lời phỏng vấn phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống nhân dịp xuân Canh Tý 2020

Có thể nói, qua thực tiễn công tác, lực lượng Cảnh sát môi trường đã khẳng định bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Những kết quả, thành tích trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và đối ngoại của đất nước, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với lực lượng Công an.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường gặp một số khó khăn sau:

(1) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi tr­ường còn nhiều bất cập, mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, tuy nhiên việc áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn.

(2) Tổ chức bộ máy của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường ở cấp huyện vẫn chưa có Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường nên công tác chỉ đạo, hư­ớng dẫn, thực hiện vẫn còn khó khăn.

(3) Công tác phối hợp giữa các lực l­ượng trong và ngoài ngành về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động do ch­ưa có kinh nghiệm và chư­a rõ về cơ chế; công tác phối hợp trong phát hiện, điều tra, xử lý chưa thống nhất; một số cấp, ngành chư­a nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trư­ờng, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trư­ờng chư­a tương xứng với diễn biến tình hình; nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường ch­ưa cao, do đó sự ủng hộ, giúp đỡ đối với lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trư­ờng còn hạn chế.

(4) Các đối tượng vi phạm pháp luật về BVMT phần lớn là có trình độ chuyên môn cao do đó phương thức thực hiện tội phạm rất tinh vi, thậm chí còn dùng nhiều thủ đoạn nhằm che dấu hành vi vi phạm hoặc chống đối, cản trở gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của các cơ quan chức.

Đồng chí Thiếu tướng Lê Tấn Tảo, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng cho các phòng thuộc Cục có thành tích xuất sắc tại hội nghị triển khai công tác năm 2019

PV: Các đối tượng xả thải gây ô nhiễm môi trường hiện nay rất đa dạng và tinh vi, để kịp thời phát hiện, điều tra tìm ra nguyên nhân vi phạm của các đối tượng, lực lượng Cảnh sát môi trường gặp phải khó khăn gì?

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo: Tính đến hết năm 2019, cả nước có 328 KCN được thành lập gồm: 250 KCN đã đi vào hoạt động, 78 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản. Trong các KCN đã đi vào hoạt động, có 218 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 86%). Các KCN trên cả nước đã thu hút được khoảng 7.000 dự án đầu tư.

Vi phạm chủ yếu về nước thải tại các doanh nghiệp là:

– Không xây lắp, xây lắp không đúng, không vận hành, không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý nước thải theo nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

– Lắp đặt các đường ống với mục đích xả trộm nước thải không qua xử lý ra môi trường.

– Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường, thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Những khó khăn trong việc phát hiện và xử lý doanh nghiệp có hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường:

+ Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chưa có chế tài nghiêm khắc đủ sức răn đe vi phạm. Hiện tại, còn tồn tại nhiều lỗ hổng, nhiều điểm bất cập cần sửa đổi trong Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự gặp nhiều khó khăn, chưa có hướng dẫn xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại.

+ Thủ đoạn xả thải của các đối tượng ngày càng tinh vi, hành vi xả thải vượt quy chuẩn không tuân theo quy luật, thời gian cố định, bố trí người canh giữ, bảo vệ tại khu vực xả thải, ngăn cản sự tiếp cận, phát hiện của nhân dân; việc chứng minh tội phạm bằng chứng cứ truyền thống gặp nhiều khó khăn.Khi hành vi vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì có biểu hiện “chây ì” trong việc chấp hành quyết định xử phạt.

+ Những điều kiện đảm bảo phù hợp với đặc điểm, đặc thù của công tác còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là các vấn đề về nơi tạm giữ, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm; con người, phương tiện, kinh phí phục vụ cho công tác giám định, kiểm định… dẫn đến hạn chế trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm

– Khó khăn trong phát hiện xử lý đối với hành vi chôn lấp chất thải công nghiệp

+ Số lượng cơ sở có hoạt động công nghiệp gia tăng trong các năm gần đây nên việc kiểm soát chính xác chất thải ở từng loại hình công nghiệp còn khó khăn trong khâu quản lý;

+ Thành phần chất thải rất đa dạng rất khó phân biệt đâu là chất thải công nghiệp với chất thải khác khi vận chuyển và chôn lấp, chỉ khi sử dụng các biện pháp kỹ thuật, hoặc trinh sát mới làm rõ;

+ Số bãi được cấp phép xử lý, chôn lấp ngày càng nhiều nhưng hoạt động bên trong các bãi đó rất khó kiểm soát xử lý chất thải sinh hoạt hay công nghiệp;

+ Lợi nhuận cho việc chôn lấp qua loa chất thải công nghiệp, giảm chi phí phải xử lý là cao, nên kích thích đối tượng hoạt động chôn lấp nhiều hình thức sai quy định ngày càng tinh vi khó phát hiện;

+ Theo quy định, chất thải rắn phải tiến hành chôn lấp không quá 24 giờ kể từ khi được vận chuyển đến nhà máy xử lý, nhưng trên thực tế hầu hết không xử lý trong thời gian quy định nhưng rất khó phát hiện việc này; Do lượng rác thải lớn lại không được xử lý kịp thời và việc phun hóa chất không đủ liều lượng đã khiến môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm, gây ra các bệnh về đường hô hấp ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe hiện nay của người dân và lâu dài là có khả năng xảy ra các bệnh hiểm nghèo.

+ Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT của Bộ KHCNMT-BXD ngày 18/01/2001, khoảng cách từ bãi chôn lấp chất thải rắn tới các điểm dân cư, khu đô thị đối với bãi chôn lấp có quy mô vừa và nhỏ cuối hướng gió là 1.000m, các hướng khác là 300m. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi hướng gió phức tạp thổi theo nhiều hướng khác nhau, nên khó cho cơ quan phê duyệt quy hoạch nhà máy chôn lấp chất thải rắn thế nào cho đúng.

PV: Qua vụ đổ trộm dầu thải vào nguồn nước sông Đà thời gian vừa qua. Để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp hiện nay cần những giải pháp nào, thưa ông?

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo: Thời gian gần đây, xu hướng phát triển kinh tế bền vững, ít gây ô nhiễm môi trường  ngày càng được quan tâm và trở thành một trong những ưu tiên của nhiều quốc gia trên thế giới. Để thực hiện được điều này, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cộng đồng doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam thực sự trở thành lực lượng đi đầu trong công tác BVMT thì cần phải có những giải pháp sau:

Một là, về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tác hại của hành vi vi phạm pháp luật môi trường, nhất là các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đây là việc làm cần tiến hành thường xuyên với sự vào cuộc của toàn xã hội. Cụ thể như: Thiết lập Website cập nhật DN bị xử lý vi phạm pháp luật môi trường để người dân và cộng đồng DN biết và giám sát; thường xuyên tôn vinh các DN bảo vệ môi trường tốt thông qua các biện pháp ưu đãi về thuế, phí, liên quan đến môi trường,…..

Hai là, về phía các cơ quan doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xác định công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong đó vai trò của các doanh nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng, đầu tư công nghệ trong xử lý ô nhiễm;sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; tham gia các dịch vụ thu gom, tái chế, xử lý chất thải nguy hại và các dịch vụ khác nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, mất an toàn thực phẩm, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Ba là, chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền và lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát môi trường nói riêng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, lên án và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Bốn là, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của DN đối với công tác BVMT. Điểm quan trọng trong công tác BVMT của DN hiện nay là giải quyết hài hòa giữa BVMT và tối đa hóa lợi ích của DN trong kinh doanh . Do đó, cần thay đổi nhận thức về trách nhiệm BVMT của doanh nghiệp, cần coi công tác BVMT không chỉ là trách nhiệm về mặt pháp lý mà là trách nhiệm đạo đức của một DN đối với toàn xã hội.

PV: Trong thời gian tới, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ có những kế hoạch hoạt động thế nào để đấu tranh xử lý, ngăn chặn có hiệu quả đối với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về môi trường?

Thiếu tướng Lê Tấn Tảo: Năm 2020, dự báo tình hình tội phạm và VPPL về môi trường tài nguyên ATTP tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là một số lĩnh vực trọng điểm như ATTP; xử lý chất thải; khai thác tài nguyên, khoáng sản…để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác PCTP và VPPL về môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch chuyên đề đang tổ chức thực hiện. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với hệ lực lượng tại Công an các địa phương.

Hai là: Tập trung nắm, dự báo tình hình phức tạp về tội phạm và các vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên an toàn thực phẩm để chủ động phát hiện xử lý sớm không để xảy ra các “điểm nóng” gây mất ANTT. Mở các đợt cao điểm tăng cường đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020 và các chuyên đề trọng tâm, gây bức xúc trong xã hội. Tập trung phát hiện, xử lý vi phạm trong các lĩnh vực: quản lý chất thải nguy hại; xử lý nước thải, chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt; phòng ngừa sự cố môi trường; khai thác, bảo vệ rừng; khai thác cát sỏi lòng sông; vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ba là: Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu, rà soát những vướng mắc, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường, nhất là trong việc áp dụng pháp luật hình sự, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho cán bộ chiến sỹ, nhất là việc thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ thuật kiểm định môi trường cho cán bộ kiểm định thuộc lực lượng Cảnh sát môi trường.

Bốn là: Tăng cường công tác xây dựng Đảng và xây dựng lực lượng. Thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về công tác xây dựng Đảng; Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, việc chấp hành quy chế, quy trình công tác, điều lệnh CAND. Tiếp tục ổn định tổ chức, kiện toàn, bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác; triển khai Quyết định của Bộ trưởng ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Cục.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến cho quần chúng nhân dân những quy định của pháp luật về tội phạm về môi trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, hội họp của tổ dân phố, các tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp…Làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.

Lực lượng Cảnh sát môi trường cần bám sát khẩu hiệu hành động của toàn lực lượng CAND “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của Bộ và cuộc vận động xây dựng tiêu chí “Cảnh sát môi trường Đoàn kết – Kỷ cương – Trí tuệ – Hiệu quả, đẩy mạnh thực hiện “ Quy tắc ứng xử của lực lượng Cảnh sát môi trường”.

Xin cảm ơn Cục trưởng, chúc Cục trưởng và các cán bộ chiến sỹ Cảnh sát môi trường mạnh khỏe và gặt hái được nhiều thành công trong năm 2020!

Thu Hà (Thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An): Kiên quyết đấu tranh, xử lý vi phạm về môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.