Hàng loạt dự án tại Nghệ An “nằm” trên giấy
Giai đoạn 2017 – 2019, FLC đã ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác đầu tư tại Nghệ An vào các lĩnh vực như: Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái; lĩnh vực nông nghiệp và khai thác khoáng sản; dự án khu đô thị tại TP. Vinh.
Cụ thể, ngày 19/2/2017, tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư, Tập đoàn FLC và UBND tỉnh Nghệ An đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, cho phép Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí FLC Nghệ An tại khu vực bãi Tiền Phong, bãi Hải Đồn và bãi Lữ thuộc xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Dự án có tổng diện tích lên đến 570ha.
Sau ký kết đầu tư với tỉnh Nghệ An, Tập đoàn FLC đã tổ chức nhiều đoàn công tác về Nghệ An nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư và triển khai các bước tiếp theo.
Tháng 9/2017, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An, phía FLC đã trình bày phương án phân kỳ đầu tư vào dự án, Diện tích khảo sát, quy hoạch được điều chỉnh khoảng 460ha nhằm giảm thiểu tối đa tác động ảnh hưởng đến dân cư; tổng mức đầu tư dự án dự tính 9.930 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí GPMB).
Quy mô dự án bao gồm nhiều hạng mục, trong đó tập trung lĩnh vực nghỉ dưỡng cao cấp gồm: khách sạn 5 sao; resort bãi biển 5 sao; khu biệt thự cao cấp; trung tâm hội nghị quốc tế quy mô 1.500 chỗ; khu thể thao vui chơi giải trí ngoài trời (sân golf 18 lỗ); khu du lịch sinh thái; khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế; vườn thú tương tác, khu đô thị; các hạng mục giao thông hạ tầng phụ trợ…
Quá trình nghiên cứu dự án này, lãnh đạo Tập đoàn FLC bày tỏ mong muốn tỉnh Nghệ An, các sở ban ngành, địa phương tạo điều kiện phê duyệt quy hoạch chi tiết, chấp thuận chủ trương đầu tư…, nhất là bàn giao mặt bằng sạch để triển khai dự án. Dự kiến, tháng 3/2018, dự án có thể tiến hành khởi công nhưng đã nhiều năm trôi qua dự án này vẫn chỉ ở mức độ dự án tiềm năng…
Bên cạnh đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, tháng 3/2018, tại hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư lần thứ 10 – Xuân Mậu Tuất do tỉnh Nghệ An tổ chức. Tại hội nghị này FLC cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với dự án nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Tân Kỳ, tổng mức đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng; và lĩnh vực khai thác khoáng sản với dự án khai thác và chế biến đá tự nhiên tại huyện Tân Kỳ.
Ngoài việc khảo sát quy hoạch và ký kết hợp đầu tư 2 dự án nói trên, ngày 8/9/2019, tại hội nghị triển khai các nội dung Thông báo số 55 ngày 20/4/2019 của Bộ Chính trị về phát triển TP. Vinh, tỉnh Nghệ An đã ký kết và trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Tập đoàn FLC dự án khu đô thị tại TP. Vinh.
Dự án này được Tập đoàn FLC khảo sát đầu tư nằm cạnh hồ điều hòa thành phố Vinh, thuộc xã Hưng Hòa, TP. Vinh, quy mô dự án bao gồm các hạng mục: Biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn tiêu chuẩn 5 đến 6 sao, biệt thự và liền kề, trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm hội nghị 1.200 chỗ ngồi. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng.
Phối cảnh siêu dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của FLC tại xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Tuy nhiên, sau nhiều năm quy hoạch, các dự án khu nghỉ dưỡng sinh thái của tập đoàn FLC tại Nghệ An vẫn treo trên giấy khiến chính quyền, người dân rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Dự án nông nghiệp ở Hà tĩnh trước nguy cơ “chết yểu”
Tháng 9/2013, tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho Tổng công ty khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh) làm dự án trồng rau củ quả sạch trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển với diện tích rộng hơn 96 ha ở xã Thạch Văn (H.Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Tuy nhiên sau đó, do việc sản xuất kém hiệu quả và gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nên dự án này chỉ hoạt động cầm chừng, liên tục thu hẹp diện tích. Cũng chính vì lý do đó mà cuối năm 2017, Mitraco Hà Tĩnh đã phải nhượng lại dự án do sản xuất thua lỗ.
UBND tỉnh Hà Tĩnh sau đó đã quyết định cho Mitraco Hà Tĩnh nhượng lại toàn bộ dự án cho Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM (thuộc Tập đoàn FLC).
Theo đó, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao với tổng diện tích rộng hơn 240 ha để thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao. Tổng mức đầu tư của dự án này dự kiến khoảng 300 tỉ đồng và thời gian hoạt động dự án là 50 năm.
Tại thời điểm tiếp nhận, chủ đầu tư khẳng định đã có chiến lược dài hạn và tuyên bố cuối năm 2019 sẽ sản xuất kín diện tích. Tuy nhiên, thời điểm mà nhà đầu tư mới này triển khai sản xuất ở mức cao nhất cũng chỉ được khoảng hơn 20 ha, chủ yếu trồng thanh long ruột đỏ, lạc, dứa, bí… nhưng không mấy hiệu quả.
Do gặp khó trong việc sản xuất nên Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM sau đó đã có văn bản đề nghị tỉnh Hà Tĩnh cho phép chuyển đổi quy hoạch, xin chỉ thực hiện dự án trên diện tích hơn 96 ha tiếp nhận từ Mitraco Hà Tĩnh. Thậm chí, chủ đầu tư còn xin chuyển dự án nông nghiệp công nghệ cao sang chăn nuôi lợn quy mô 60.000 con/lứa nhưng không được chấp thuận vì gần khu dân cư sẽ ô nhiễm môi trường.
Đến tháng 2.2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản chỉ đạo kiểm tra, xem xét, tham mưu thu hồi dự án nông nghiệp công nghệ cao vì sản xuất kém hiệu quả.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết, dự án nông nghiệp công nghệ cao sau nhiều năm triển khai chỉ sản xuất được số diện tích nhỏ và hiệu quả thấp. Mục đích của dự án này là trồng thanh long ruột đỏ nhưng sau khi trồng thử nghiệm thì hiệu quả rất thấp nên chủ đầu tư không dám mở rộng.
Đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư chỉ để lại một ít công nhân để bảo vệ tài sản và sản xuất cầm chừng một số loại rau củ quả trên diện tích khoảng hơn hơn 2 ha. Tại nhiều cuộc họp, người dân địa phương cũng đã có ý kiến đề nghị thu hồi dự án để giao lại cho người dân canh tác.
Theo ông Phan Văn Nhàn, Trưởng Phòng Doanh nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, hiện chủ đầu tư là Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản FAM đã nộp hồ sơ xin điều chỉnh dự án nông nghiệp công nghệ cao ở xã Thạch Văn xuống chỉ còn hơn 96 ha.
“Hiện nay chúng tôi đang chờ xin ý kiến các sở ngành để báo cáo với UBND tỉnh, nếu tỉnh đồng ý thì sẽ chấp thuận cho chủ đầu tư điều chỉnh dự án”, ông Nhàn cho hay.
Chậm nộp tiền trúng đấu giá tại Kon Tum
Trong kết luận thanh tra Thanh tra Chính phủ (ngày 7/3) nêu hàng loạt sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án vốn ngoài ngân sách. Trong đó có dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Công ty FLC) làm chủ đầu tư tại phường Trường Chinh, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án được tỉnh Kon Tum giao cho Công ty FLC có diện tích gần 180.000 m2. Tuy nhiên, UBND tỉnh giao Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá là sai, vi phạm Khoản 3 Điều 23 Nghị định 151/2017 và Điều 19 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ngày 18/7/2019, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt kết quả trúng đấu giá và ban hành quyết định về việc bán tài sản công cho người duy nhất đăng ký mua. Tại thời điểm thanh tra (tháng 8-2020), Công ty FLC không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Đến ngày 16/9/2020, phía FLC mới nộp tổng số tiền trúng đấu giá là 204 tỉ đồng và tiền phạt chậm nộp là gần 21 tỉ. Như vậy, là vi phạm quy chế đấu giá tài sản và hợp đồng mua bán tài sản nhưng UBND tỉnh đã thiếu kiên quyết, quyết liệt trong việc xử lý hủy kết quả đấu giá.
Dự án tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư tại tỉnh Kon Tum.
Bên cạnh đó, trong khi dự án chưa đầu tư hoàn thành, văn phòng đăng ký đất đai tỉnh tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tự ý tách thửa diện tích đất hơn 71.600 m2 thành 474 thửa và cấp riêng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty FLC với thời hạn lâu dài là không đúng quy định Luật đất đai.
Để khắc phục sai phạm, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu chủ đầu tư là Công ty FLC đảm bảo tiến độ dự án. Trường hợp vi phạm tiến độ thì chấm dứt hoạt động, thu hồi đất theo quy định.
Hai dự án ở Quảng Ngãi chậm tiến độ kéo dài
Ngày 30/6/2019, FLC khởi công quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi tại Khu kinh tế Dung Quất. Dự án có quy mô 1.026 ha, trong đó, các hạng mục khởi công bao gồm 4 phân khu khách sạn, resort cao cấp và hai phân khu đô thị biển với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng.
Gần một năm sau ngày khởi công rầm rộ, đến nay dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng ở Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi của Tập đoàn FLC vẫn trong tình trạng hoang vắng.
Ngày 31/12/2020, ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký Công văn số 6601/UBND-CNXD về việc thông báo chấm dứt hiệu lực các văn bản đã được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu, chấm dứt hiệu lực các văn bản đã được Chủ tịch UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư đối với 296 dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Trong số 296 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi thống nhất xóa bỏ kể trên, có hàng loạt dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC như, Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn (giai đoạn 1), quần thể khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí.
Dự án nông nghiệp ở Quảng Trị “nói không đi đôi với làm”
Ngày 28/2, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) xác nhận huyện này vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh đề nghị chấm dứt hoạt động dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM (thuộc Tập đoàn FLC) vì nhiều năm chây ì, không chịu triển khai như kế hoạch.
Ngay cả tiền giải phóng mặt bằng doanh nghiệp này cũng chỉ mới chuyển được 5,2 tỉ đồng trong tổng số 14,1 tỉ đồng cam kết ban đầu.
Trước đó, dự án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao FAM được UBND tỉnh Quảng Trị cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản FAM (thuộc Tập đoàn FLC) tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ. Dự án này có tổng vốn đầu tư 371 tỉ đồng trên tổng diện tích 200 ha;
Theo kế hoạch, dự án sẽ thực hiện từ tháng 9-2018 đến tháng 3-2019. Sau khi có chủ trương đầu tư, UBND huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức bồi thường, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
Phần đất 200 ha được cấp cho Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản FAM (thuộc Tập đoàn FLC) thực hiện dự án nhưng nhiều năm chây ì không triển khai.
Phía chủ đầu tư cam kết sẽ chuyển cho huyện 14,1 tỉ đồng để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay phía chủ đầu tư mới chuyển hơn 5,2 tỉ đồng.
“UBND huyện Cam Lộ đã nhiều lần có văn bản đề nghị công ty sớm chuyển hết kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh cũng có công văn yêu cầu tương tự nhưng đến nay công ty vẫn không thực hiện và không có thông tin trả lời”, một lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ nói.
Có thể thấy, các dự án của FLC tại các tỉnh, thành trên cả nước không hề toàn “màu hồng” như tập đoàn này quảng bá. Thậm chí có rất nhiều dự án được FLC thổi phồng lên, khác xa với thực tế triển khai.
Giang Anh