Diện tích rạn san hô trên thế giới rơi vào thảm họa tẩy trắng lớn nhất từ trước tới nay

Hoàng Thơ |22/10/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

77% diện tích rạn san hô trên thế giới bị tẩy trắng, trở thành thảm họa tẩy trắng lớn nhất từ trước đến nay và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển của 74 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tính từ đầu năm 2023 tới nay, theo dữ liệu quan sát được từ vệ tinh, khoảng 77% diện tích rạn san hô trên thế giới đã trải qua mức căng thẳng nhiệt độ dẫn tới hiện tượng tẩy trắng lớn nhất từ trước tới nay.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), hiện tượng đáng lo ngại trên đang diễn ra trên cả 3 đại dương lớn, bao gồm Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Kỷ lục trước đó thuộc về sự kiện tẩy trắng hàng loạt diễn ra trong giai đoạn 2014-2017 với khoảng 66% diện tích rạn san hô trên thế giới bị ảnh hưởng.

san-ho-bi-tay-trang.jpg
Tình trạng tẩy trắng ở rạn san hô Great Barrier ngày 12.4.2024 (Ảnh: REUTERS)

NOAA cũng cho biết thêm, thảm họa tẩy trắng lần thứ 4 này đang ảnh hưởng tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ và “sẽ phá vỡ mọi kỷ lục về tác động” từng được ghi nhận trong lịch sử. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 6 tuần vừa qua, hiện tượng này đã được xác nhận ở các vùng biển Palau, Guam và Israel.

Trong khi đó, căng thẳng nhiệt cũng vẫn ở mức cao tại Caribe và biển Đông. Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiến hành đánh giá tỷ lệ san hô bị chết để có cái nhìn toàn diện hơn về thảm họa lần này.

Để ứng phó với thảm họa tẩy trắng lớn nhất từng thấy, các nhà khoa học đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp tại Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP 16) tại Colombia vào tuần tới.

San hô là loài động vật biển không xương sống, tồn tại dưới dạng các thể polyp nhỏ giống hải quỳ. San hô có mối quan hệ cộng sinh với tảo, theo đó tảo có được nơi trú ẩn từ san hô, trong khi san hô chiếm lấy một phần năng lượng mà tảo khai thác từ ánh nắng Mặt Trời thông qua quá trình quang hợp. Khi nhiệt độ đại dương quá cao, chẳng hạn như trong các đợt nắng nóng tấn công các khu vực từ Florida (Mỹ) đến Australia trong năm qua, san hô sẽ đẩy tảo ra ngoài và chuyển sang màu trắng, một hiện tượng được gọi là "tẩy trắng" khiến chúng dễ mắc bệnh và có nguy cơ chết dần.

San hô tẩy trắng sẽ không chết ngay, nhưng nhiệt độ đại dương cần phải hạ xuống mức ổn định để chúng có thể phục hồi. Ít nhất 14% san hộ đã chết trong 2 sự kiện tẩy trắng toàn cầu trước đó.

Ông Derek Manzallo, điều phối viên từ NOAA nhận định: “Đây là sự kiện tẩy trắng san hô do nhiệt độ cao lớn nhất từ trước tới nay, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả hệ sinh thái biển”. Vị chuyên gia này cũng cảnh báo: Nếu nhiệt độ đại dương hiện tại là “mức bình thường mới”, thế giới có thể đang bước vào giai đoạn mà tình trạng tẩy trắng toàn cầu sẽ “trở thành mãn tính".

Theo Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), khoảng 850 triệu người trên thế giới dựa vào các rạn san hô để có thực phẩm, việc làm và bảo vệ bờ biển khỏi bão và xói mòn. Các hệ sinh thái này cung cấp nơi trú ẩn cho sinh vật biển, với hơn 25% số loài sinh vật biển coi chúng là nhà.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Diện tích rạn san hô trên thế giới rơi vào thảm họa tẩy trắng lớn nhất từ trước tới nay