Bảo vệ môi trường

Điều chỉnh quy chuẩn về nước thải công nghiệp, hạn chế ô nhiễm trong nuôi trồng thủy sản

Thanh Thanh 27/12/2024 15:30

Đặc điểm của ngành nuôi trồng thủy sản là thải ra khối lượng nước rất lớn, chứa nhiều chất hữu cơ, thức ăn dư thừa, hóa chất và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác quản lý, xử lý nước thải của các cơ sở nuôi trồng thủy sản ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập. Trong đó, việc kiểm soát quá trình nuôi, xử lý chất thải của cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa tốt sẽ làm ô nhiễm trực tiếp nguồn nước và ảnh hưởng tới chất lượng nước đầu vào, nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các cơ sở khác.

Bên cạnh đó, việc áp dụng QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trong công tác đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường tại các địa phương đối với các dự án, cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa thống nhất và chưa phù hợp thực tiễn.

capture(3).png
Đặc điểm của ngành nuôi trồng thủy sản là thải ra khối lượng nước rất lớn, chứa nhiều chất hữu cơ, thức ăn dư thừa, hóa chất và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước

Cụ thể, theo quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT thì cơ quan quản lý nhà nước về môi trường căn cứ vào đặc điểm, tính chất của nước thải và mục đích sử dụng của nguồn tiếp nhận để lựa chọn các thông số ô nhiễm đặc trưng và giá trị cơ bản trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một số địa phương đã áp dụng tất cả 33 thông số quy định chung cho các ngành sản xuất tại QCVN 40:2011/BTNMT để kiểm soát chất lượng nước thải của dự án, cơ sở nuôi trồng thủy sản, thay vì chỉ cần lựa chọn một số thông số ô nhiễm đặc trưng của ngành nuôi trồng thủy sản, dẫn tới khó khăn, lãng phí.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia theo định hướng hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường, đồng thời có tính khả thi, phù hợp với mức độ phát triển kinh tế - xã hội, trình độ công nghệ của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với đặc điểm của khu vực, vùng, ngành sản xuất.

Theo đó, dự thảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về nước thải (thay thế QCVN 40:2011/BTNMT) được xây dựng để kiểm soát thống nhất nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trong đó, căn cứ vào đặc điểm, tính chất của loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, dự thảo quy chuẩn mới đã quy định một số chất ô nhiễm chung trong nước thải cần kiểm soát (áp dụng chung cho các ngành sản xuất) và quy định riêng một số chất ô nhiễm đặc trưng cần kiểm soát trong nước thải theo từng loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (theo mã ngành kinh tế tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam).

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, sau khi quy chuẩn mới được ban hành, nước thải phát sinh từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản được áp dụng thống nhất và chỉ phải kiểm soát một số thông số đặc trưng, bảo đảm phù hợp, thống nhất trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với ngành nuôi trồng thủy sản.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Điều chỉnh quy chuẩn về nước thải công nghiệp, hạn chế ô nhiễm trong nuôi trồng thủy sản
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.