Đổi mới và hợp tác vì một lưu vực sông Mekong thịnh vượng và bền vững

Hạ Vy|04/04/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đổi mới trong hành động vì một lưu vực sông Mekong thịnh vượng và bền vững là thông điệp chính của hội nghị quốc tế trong khuôn khổ hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, được tổ chức tại Thủ đô Vientiane (Lào). Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự vào ngày mai 5/4.

4-song-mekong.png
Thay đổi chế độ dòng chảy sông Mekong, nhất là trong mùa khô, gây ra tình trạng hạn hán toàn lưu vực và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Tin từ Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam sáng nay cho biết, Hội nghị quốc tế Mekong (diễn ra trong 2 ngày 2 - 3/4) có sự tham gia của hơn 800 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên, các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng từ khắp nơi trên thế giới.

Chủ đề của hội nghị là "Đổi mới và hợp tác nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong". Hội nghị bao gồm 3 phiên toàn thể và 7 phiên song song với nhiều bài trình bày, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm của các chuyên gia trong khu vực và quốc tế.

Những áp lực lên tài nguyên nước

Trong những năm trở lại đây, lưu vực sông Mekong đứng trước rất nhiều thách thức to lớn, như sự gia tăng các hoạt động phát triển gây áp lực lên tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm các vấn đề, như sự suy giảm về dòng chảy, suy giảm về bùn cát dẫn đến xói lở gia tăng, suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản.

Một trong những thay đổi dễ nhận biết nhất là thay đổi chế độ dòng chảy, nhất là trong mùa khô, gây ra tình trạng hạn hán toàn lưu vực và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Linh, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam nhấn mạnh: "ĐBSCL, nơi có gần 20 triệu người dân sinh sống đang chịu tác động kép từ phát triển thượng nguồn; biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những vấn đề nội tại của đồng bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan. Trong khoảng 10 năm vừa qua, ĐBSCL đã phải đón nhận 2 đợt hạn hán nghiêm trọng vào năm 2016 và 2020, cùng với đó là xâm nhập mặn lịch sử, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân".

Ủy hội sông Mekong quốc tế có bề dày hoạt động gần 30 năm và đã đạt được nhiều thành tựu, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới có rất nhiều biến động, Ủy hội không thể mãi đi theo các cách thức trước đây, mà cần có những thay đổi để có thể đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới.

TS. Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế đánh giá: "Chúng ta cần đổi mới, bởi vì chúng ta không thể giữ cách làm cũ và mong muốn có kết quả tốt hơn, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số". Các điểm nổi bật về sự đổi mới được nêu lên trong hội nghị bao gồm thay đổi về tư duy, cách tiếp cận, phương thức quản trị, công nghệ, phương thức hợp tác trong khai thác, sử dụng, phát triển và quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Mekong.

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng

Hội nghị đã tập trung thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất đối với Ủy hội sông Mekong quốc tế, trong đó nhấn mạnh Ủy hội cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu đám mây, dữ liệu lớn, ảnh vệ tinh trong việc phát triển các công cụ mô hình, hệ thống hỗ trợ ra quyết định và thực hiện các nghiên cứu chung; đổi mới cách tiếp cận trong ứng phó với các thách thức và biến động trong lưu vực thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên, kết hợp giữa công trình và phi công trình, và công nghệ xanh.

Bên cạnh đó Ủy hội cũng cần đổi mới trong hợp tác lưu vực, học tập kinh nghiệm của các lưu vực sông quốc tế khác trong giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác Mekong.

Hội nghị nhận thấy tầm quan trọng của cộng đồng trong việc sử dụng và quản lý tài nguyên nước; do đó đã đề nghị Ủy hội cần nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quá trình ra quyết định thông qua đối thoại và tham vấn.

Hội nghị cũng đánh giá cao sáng kiến của Ủy hội trong tổ chức một cuộc thi giữa các trường đại học trong lưu vực về ứng dụng công nghệ mới trong quan trắc tài nguyên nước sông Mekong. Điều này thể hiện sự quan tâm tới thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của lưu vực, đồng thời khuyến khích thế hệ trẻ đóng góp nhiều hơn nữa trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị to lớn do dòng sông Mekong mang lại vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng trên toàn lưu vực.

Các đề xuất của hội nghị quốc tế sẽ được báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng và Hội nghị Cấp cao để các nhà lãnh đạo xem xét lồng ghép trong Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao và các kế hoạch chiến lược và hành động của Ủy hội sông Mekong quốc tế trong thời gian tới.

Lưu vực sông Mekong bao gồm 6 quốc gia, trong đó Trung Quốc và Myanmar nằm ở thượng nguồn là đối tác đối thoại của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Sự tham gia và cam kết hợp tác của các quốc gia này rất quan trọng đối với sự phát triển và quản lý tổng hợp tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của toàn lưu vực sông Mekong.

Ông Zhao Hao, Tổng Thư ký Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương khẳng định, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Ủy hội sông Mekong quốc tế trong các nghiên cứu chung và xây dựng kế hoạch điều phối thống nhất các công trình khai thác sử dụng nước trên sông Mekong-Lan Thương nhằm đáp ứng các nhu cầu về sinh kế của người dân đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái của lưu vực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới và hợp tác vì một lưu vực sông Mekong thịnh vượng và bền vững