Dị ứng thời tiết có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong năm, nhưng khi thời tiết giao mùa là điều kiện dễ phát sinh nhiều loại bệnh lý.
Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa từ xuân sang hè nên thay đổi nóng – lạnh thất thường, độ ẩm thay đổi ảnh hưởng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc hoặc thay đổi nổng độ phấn hoa trong không khí đã làm nhiều người bị dị ứng thời tiết.
Dị ứng thời tiết có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, đặc biệt là những người có cơ địa nhạy cảm. Tùy theo thời gian khởi phát và tiến triển, bệnh được chia thành 2 loại là dị ứng thời tiết cấp và dị ứng thời tiết mãn tính.
Viêm mũi dị ứng là một trong những biểu hiện chính của dị ứng thời tiết (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu nhận biết
Khi bị dị ứng thời tiết, mỗi người có những biểu hiện khác nhau, mức độ khác nhau. Tuy nhiên, dị ứng thời tiết có một số biểu hiện chính như:
Phát ban: Ban xuất hiện trên bề mặt da với những mẩn đỏ, nhất là ở vùng tay, chân, kể cả ở mặt. Những ban này làm tăng cảm giác ngứa, khó chịu dẫn đến động tác gãi nên càng làm cho những nốt mẩn đỏ lan rộng hơn và thành từng đám nổi khắp bề mặt da.
Nổi mề đay: Luôn có cảm giác ngứa, khó chịu kèm theo tình trạng phù, nổi mề đay, những mảng mề đay dày lên khiến da có màu trắng sữa hoặc màu hồng. Da có thể nổi mề đay chỉ trong thời gian ngắn sau khi tiếp xúc với thời tiết thay đổi như từ nắng nóng chuyển sang mưa lạnh hoặc độ ẩm không khí thay đổi nhanh.
Chàm bội nhiễm: Trên da xuất hiện những mụn nước li ti, có thể chảy dịch vàng, xuất hiện nhiều vảy gầu ở đầu hay khuỷu tay, mặt và đầu gối. Nếu kéo dài, chàm bội nhiễm có thể ảnh hưởng nhiều đến da.
Viêm mũi dị ứng: Cảm giác khó chịu, khô và ngứa vùng mũi họng, ngạt mũi, chảy nhiều nước mũi, mệt mỏi, mất ngủ, kém tập trung. Người bệnh thường xuyên cảm thấy khó chịu vùng mũi theo từng đợt, kéo dài khoảng từ 20-30 phút. Tùy vào mức độ dị ứng mà tình trạng viêm mũi sẽ nặng nhẹ khác nhau và tần suất của mỗi đợt viêm mũi cũng khác nhau.
Khò khè hoặc khó thở: Xuất hiện ho, thở khò khè, khó thở khi thời tiết thay đổi và thường tái diễn nhiều lần. Khi gặp tình trạng này, người bệnh không được chủ quan, nên đi khám sớm để tầm soát bệnh hen phế quản, từ đó có những biện pháp kiểm soát và điều trị bệnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết là rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể. Chính sự rối loạn này đã dẫn đến các phản ứng dị ứng, giúp cơ thể sản xuất ra những kháng thể để chống lại các yếu tố có nguy cơ gây hại từ bên ngoài môi trường.
Bên cạnh đó, cơ thể sản sinh histamine cũng là một trong hoạt động quan trọng trong hệ miễn dịch và có tác động đến tình trạng dị ứng. Người bị dị ứng thời tiết sẽ xảy ra những triệu chứng bệnh rất nhanh sau khi tiếp xúc với những yếu tố gây bất lợi.
Cần có chế độ ăn khoa học, đủ chất, nhiều rau, củ; uống nhiều nước ép trái cây tươi (Ảnh minh họa)
Cách phòng ngừa dị ứng thời tiết
Rất khó để điều trị khỏi hoàn toàn tình trạng dị ứng thời tiết, vì đây là bệnh do cơ địa và hệ miễn dịch của mỗi người. Theo các chuyên gia, nên phòng ngừa dị ứng kết hợp với phương pháp điều trị những cơn dị ứng mỗi khi bệnh bùng phát. Bên cạnh chữa dị ứng thời tiết bằng thuốc, bạn có thể hạn chế cũng như kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng một số thói quen lành mạnh.
Chế độ ăn uống khoa học: Ăn đủ chất và nên ăn nhiều rau, củ; uống nhiều nước ép trái cây tươi. Tăng cường ăn rau, củ, quả, trái cây có chứa nhiều vitamin C, uống nhiều nước (đảm bảo đủ 2 lít/ngày). Có thể sử dụng thêm thuốc bổ chứa vitamin B1, B6, B12. Không được ăn những thực phẩm có tính nóng, cay. Hạn chế ăn thực phẩm dễ gây dị ứng như: hải sản, nhộng, đậu phộng (lạc),…
Tạo thói quen sinh hoạt, làm việc khoa học: Không làm việc quá sức, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Rèn luyện thói quen tập luyện, vận động để tăng cường sức đề kháng. Nếu làm việc trong phòng điều hòa, chỉ để nhiệt độ chênh lệch khoảng 1-2 độ so với ngoài trời.
Hạn chế các yếu tố khởi phát bệnh: Không nên tiếp xúc với phấn hoa, khói bụi. Không nên sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,… Khi thời tiết lạnh, cần giữ ấm cơ thể và dưỡng ẩm da thường xuyên. Thời tiết nóng, giữ vệ sinh cơ thể; mặc quần áo thông thoáng, mỏng, mềm để giảm ma sát, hạn chế tăng thân nhiệt và bài tiết nhiều mồ hôi.
Vệ sinh da sạch sẽ: Khi da có dấu hiệu dị ứng, cần giữ gìn vệ sinh sạch. Tránh gãi, ma sát mạnh trên da dễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm da. Những bệnh nhân có triệu chứng của viêm mũi xoang dị ứng, cần đeo khẩu trang khi ra đường và hạn chế tiếp xúc với động vật.
Ngoài ra, chú ý kiểm soát các yếu tố nội sinh làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh như stress, rối loạn nội tiết tố,…
Cần đến cơ sở y tế uy tín để khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu bất thường hay đã áp dụng những phương pháp giảm triệu chứng dị ứng nhưng không hiệu quả.
Minh Trang