Hiện nay, rác thải đang trở thành vấn đề nan giải đối với các quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu gây ra lượng rác thải ngày càng lớn tại Việt Nam là do nhận thức của người dân chưa cao, song song với đó lối sống Zero waste (Lối sống không rác thải) vẫn còn khá mới và vẫn chưa được áp dụng trong môi trường giáo dục hiện nay tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều trường học có nhu cầu nhận được tư vấn, hỗ trợ để áp dụng thực hành không rác nhưng chưa biết cách làm, đặc biệt là làm như thế nào để chương trình giáo dục duy trì bền vững.
Đối thoại “Trường học không rác và hơn thế nữa” khởi đầu cho chuỗi các hoạt động cung cấp giải pháp nhằm xây dựng thói quen mới về quản lý rác thải có trách nhiệm trong
xã hội.
Đối thoại “Trường học không rác và hơn thế nữa” khởi đầu cho chuỗi các hoạt động cung cấp giải pháp nhằm xây dựng thói quen mới về quản lý rác thải có trách nhiệm trong xã hội. Theo đó, giảm ô nhiễm, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH), tránh khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học là những mục tiêu của giáo dục môi trường bền vững hướng đến. Đây cũng là cách tiếp cận, để các em học sinh và cộng đồng thực hiện các quy định mới của Luật BVMT năm 2020, nhằm xây dựng thói quen mới về quản lý rác thải có trách nhiệm trong xã hội.
Phát biểu tại buổi Đối thoại, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập GreenHub Trần Thị Hoa cho biết, Liên minh Trường học không rác và hơn thế nữa (ZHub) xuất phát từ ý tưởng muốn tạo dựng hệ sinh thái gồm nhiều bên tương tác chặt chẽ với nhau thúc đẩy lối sống không rác thông qua giáo dục dựa trên bằng chứng và trải nghiệm. Zhub đã được sự tài trợ của Chương trình Let’s reuse (Công ty H&M), nhằm giúp các trường học, doanh nghiệp và người dân cùng thực hiện giảm rác thải nhựa ra môi trường và thúc đẩy thực hiện KTTH trong các trường học.
Việc tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cũng rất quan trọng trong việc duy trì những hoạt động về giảm thiểu rác thải nhựa và thực hiện KTTH trong trường học. Đây là đối tượng dễ tiếp cận, dễ truyền cảm hứng, nhiệt tình, và là thế hệ tương lai, kế thừa tất cả những điều tốt đẹp này. “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, để có thể duy trì được chặng đường giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải, việc thúc đẩy truyền thông, giáo dục là không thể thiếu.
Trao đổi về các biện pháp đẩy mạnh thực hiện KTTH trong trường học, Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên quốc gia Quỹ Môi trường toàn cầu các dự án nhỏ tại Việt Nam cũng đề xuất, cần thống nhất tài liệu về thực hiện KTTH trong trường học; chọn lớp học thí điểm về KTTH; tổ chức các buổi thực hành về KTTH…
Để khởi động cho hợp tác của Liên minh trường học không rác và hơn thế nữa (ZHub), Trung tâm GreenHub và Trường TH, THCS & THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục đã ký kết Biên bản bản ghi nhớ cam kết phối hợp và thực hiện duy trì Thực hành trường học không rác thải và chính thức ra mắt fanpage ZHub – Zero Waste Schools & More.
Minh Nguyệt