Đón dự án ngàn tỷ, Cát Bà xây giấc mơ đảo ngọc xanh
Thông qua các dự án quy mô của nhà đầu tư lớn, du lịch Cát Bà kỳ vọng dần tháo gỡ điểm nghẽn, giúp “đảo ngọc Vịnh Bắc Bộ” cất cánh.
Gỡ điểm nghẽn hạ tầng, môi trường
Đảo Cát Bà sở hữu tiềm năng lớn về du lịch, dẫu vậy vẫn “đi ngang” trong nhiều năm qua. Giới chuyên gia cho rằng điểm nghẽn về hạ tầng và môi trường cần được ưu tiên gỡ bỏ. Người dân Cát Bà cũng quan tâm hơn và đặt nhiều kỳ vọng vào những dự án giúp nâng cấp hạ tầng trên đảo.
Theo chuyên gia Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vấn nạn ô nhiễm môi trường khí thải, rác thải, nước thải tập trung chủ yếu ở trung tâm đảo Cát Bà, gây biến đổi màu nước và bốc mùi khó chịu ở các khu vực có kinh doanh du lịch… làm ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách.
“Nếu khu vực trung tâm Cát Bà được triển khai xây dựng khu du lịch, thương mại dịch vụ quy mô với sự đầu tư về hệ thống xử lý nước thải, rác thải, cùng tiêu chuẩn năng lượng xanh thì chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm suốt nhiều năm qua”, chuyên gia Dư Văn Toán đánh giá.
Dự án kể trên có quy mô hơn 45.7 ha, tổng mức đầu tư lên tới 12.495 tỷ đồng khởi công tháng 8 năm nay, giờ đây đã bắt đầu triển khai những hạng mục đầu tiên. Theo chủ đầu tư, điểm nhấn nổi bật của dự án là quảng trường trung tâm, bãi tắm nhân tạo công cộng được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, cùng với đó là các tuyến phố đi bộ và chuỗi dịch vụ sôi động...
Được biết, dự án khu Du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà sẽ dành tới hơn 60% diện tích phát triển các tiện ích công cộng với mục tiêu đưa Cát Bà thành đảo du lịch không khí thải carbon đầu tiên ở nước ta. Tới đây, toàn bộ cư dân trên đảo cũng như khách du lịch sẽ hoàn toàn sử dụng phương tiện giao thông thân thiện môi trường như cáp treo, xe điện và xe đạp... Dự án cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác xử lý nước thải, rác thải.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - GĐ điều hành Công ty Hadeco, chuyên kinh doanh vận tải liên vận từ Hải Phòng ra Cát Bà, Cát Bà là 1 đảo xinh đẹp, thiên nhiên xanh mát, rất đáng để đến. Tuy nhiên hiện tại còn có điểm đen về môi trường.
“Có 1 thực trạng, khu trung tâm ngoài cảng, khi nước cạn, mùi cống bốc lên rất hôi. Tôi mong muốn tương lai Cát Bà xanh sạch đẹp hơn và có tập đoàn lớn đến đầu tư xử lý triệt để khâu xử lý nước thải, tạo thành Cát Bà sạch sẽ khang trang hơn”, bà Thanh Huyền cho hay.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hường, chủ một khách sạn tại đường 1/4 có hơn 15 năm kinh doanh tại Cát Bà bày tỏ sự phấn khởi khi chứng kiến dự án khu du lịch Vịnh trung tâm được triển khai.
“Tôi thấy rằng đây là dự án lớn nhưng mong muốn là phải xử lý được rác thải và nước thải. Ngày nắng nóng và khi khách du lịch đông thì ô nhiễm hơn. Sau này dự án lớn làm xong sẽ xử lý được vấn đề nước thải, làm sao sạch sẽ, không bị ô nhiễm ảnh hưởng tới khách sạn của chúng tôi”, bà chủ khách sạn trên đường 1/4, Thị trấn Cát Bà kỳ vọng.
Một Cát Bà xanh hơn, phát triển xứng tầm hơn không chỉ là khát vọng của người dân đảo. Cát Bà được ví như “đảo Ngọc” tại Vịnh Bắc Bộ và là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất thế giới. Những “tài nguyên vô giá” này mở ra cơ hội phát triển thành đảo sinh thái hình mẫu của khu vực. Nhưng để chạm đến mục tiêu này, bài toán cân bằng giữa kinh tế và môi trường luôn phải được tính tới.
Theo ông Michael van de Watering – Chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn Tư vấn Toàn cầu về các công trình Thích ứng biến đổi khí hậu, Lấn biển, Hàng hải và Công nghệ Xử lý Nước Royal HaskoningDHV, Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh Trung tâm Cát Bà là dự án mang tính “tương lai”. Đây là mô hình được nhiều quốc gia phát triển.
“Chúng tôi cũng rất thích những cam kết với cách tiếp cận phát triển dự án dựa trên thiên nhiên và các ý tưởng xanh như ý tưởng phát triển giao thông xanh với hệ thống cáp treo mà chủ đầu tư đã và đang triển khai”, ông Michael van de Watering chia sẻ.
Sau tuyến cáp treo đầu tiên Cát Hải - Phù Long đã hoàn thành, Tập đoàn Sun Group tiếp tục xây mới tuyến cáp treo Phù Long - Cát Bà, tạo nên hệ thống cáp treo kết nối thẳng từ đảo Cát Hải đến trung tâm thị trấn Cát Bà. Người dân, du khách sẽ dễ dàng di chuyển từ thành phố Hải Phòng sang thẳng trung tâm đảo Cát Bà bằng cáp treo nhanh chóng, thuận lợi và giảm thiểu khí thải ra môi trường. Tuyến cáp treo cũng sẽ là sản phẩm du lịch mới mẻ mang tới trải nghiệm chiêm ngưỡng hệ sinh thái phong phú rừng, biển của đảo Cát Bà từ trên cao.
Hiện thực hóa quy hoạch và giấc mơ xanh
Quy hoạch TP Hải Phòng 2021-2030, tầm nhìn 2050 xác định mục tiêu phát triển huyện Cát Hải trở thành trọng điểm kinh tế biển của thành phố, huyện đảo thông minh, trong đó đảo Cát Bà là trung tâm du lịch sinh thái quốc gia và quốc tế; đảo Cát Hải là trung tâm dịch vụ cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp công nghệ hiện đại. Phát triển đa dạng, đồng bộ các phương thức giao thông kết nối giữa đảo với đất liền, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các bến, công trình hạ tầng thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Cát Bà đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn, uy tín, tên tuổi, điển hình như Tập đoàn Sun Group...
Theo GS.TS Đỗ Công Thung, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Cát Bà là một “mắt xích” vô cùng quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh. Với tất cả những lợi thế sẵn có về tự nhiên, đa dạng sinh học hay cảnh quan, Cát Bà khởi sinh đã có đủ nội lực trở thành “thiên đường” sinh thái, một “Maldives” của Việt Nam.
“Nghị quyết về nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng 2017-2020, định hướng 2030” của Hải Phòng xác định sẽ xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, là đòn bẩy cho du lịch và kinh tế Hải Phòng phát triển.”, GS Đỗ Công Thung cho biết.
Để đạt mục tiêu lớn này, có không ít thách thức mà Cát Bà phải xử lý. Dẫu vậy những người làm du lịch trên đảo đang nhìn thấy những gam màu sáng qua sự đổi thay từng ngày của khu vực Vịnh trung tâm. Bên cạnh giải quyết vấn đề môi trường, cộng đồng kỳ vọng dự án sẽ giúp Cát Bà đa dạng sản phẩm du lịch, các dịch vụ bổ trợ, dịch vụ vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khu mua sắm, hội nghị... nhằm thu hút khách đến với đảo.
Nâng cấp hạ tầng, giải quyết tình trạng ô nhiễm hay xây dựng sản phẩm mới, đa dạng trải nghiệm dịch vụ,… Hơn ai hết, người dân và cộng đồng làm du lịch Cát Bà hiểu rõ chỉ có sự chung tay vào cuộc của chính quyền địa phương và tâm huyết đầu tư của những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” mới có thể sớm giải được bài toán nói trên cho quần đảo di sản thiên nhiên thế giới.