Đồng bằng sông Cửu Long: Gần 159.000 hộ dân, 80.000ha cây trồng thiếu nước ngọt

Thanh Hương (T/h)|06/03/2020 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – “Từ 6.3.2020, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào đợt xâm nhập mặn mới, xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh điểm vào 11-15.3, sau giảm chậm.  80.000ha cây trồng và 15.900 hộ dân sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nặng nề.

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong mùa khô năm 2019-2020 ở mức sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), tương đương mùa khô năm 2015-2016, một số thời điểm cao hơn năm 2015-2016 bởi tác động của gió mùa Đông Bắc cường độ mạnh hoặc tác động giảm xả nước của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, dòng chảy trên sông Cửu Long về ĐBSCL trong tháng 3.2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 từ 5 đến 20%. Dự báo mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long không nhiều, xâm nhập mặn tiếp tục gay gắt.

“Từ 6.3.2020, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào đợt xâm nhập mặn mới, xâm nhập mặn sẽ đạt đỉnh điểm vào 11-15.3, sau giảm chậm. Tính theo ranh mặn 4g/l, xâm nhập mặn có thể vào sâu tới 110km trên sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, 78km trên sông Hàm Luông, 67km trên sông Hậu, 58km trên sông Cái Lớn có thể vượt mức kỷ lục năm 2016” – ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai nhấn mạnh.

Nhiều người dân khoan giếng nước ngầm để lấy nước ngọt sử dụng. Ảnh: N.Hồ

Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi – nhấn mạnh: Đối với cây trồng, nếu tình hình xâm nhập mặn gay gắt hơn năm 2015-2016 thì có khoảng 80.000ha có nguy cơ bị ảnh hưởng. Hiện nay, chính quyền địa phương và bà con nông dân đang chủ động tích nước trong các mương, ao, kênh cụt để cung cấp cho vườn cây.

Theo số liệu tổng hợp của Phòng NNPTNT huyện Tân Trụ (tỉnh Long An), vụ lúa đông xuân 2019 – 2020, toàn huyện gieo sạ gần 4.600ha. Trong đó, diện tích lúa an toàn, đang giai đoạn chín chuẩn bị thu hoạch hơn 900ha. Gần 1.200ha lúa đang giai đoạn chuẩn bị vào chắc bị thiệt hại năng suất từ 30-50%. Gần 2.500ha lúa còn lại giai đoạn chuẩn bị làm đòng và trổ thiệt hại từ khoảng 70% đến mất trắng. Ngoài ra, hạn, mặn cũng làm hàng trăm hécta thanh long và hoa màu bị ảnh hưởng năng suất hoặc mất trắng.

Tỉnh Long An đã áp dụng nhiều biện pháp giải cứu, như dẫn nước ngọt từ sông Tiền bổ sung vào sông Vàm Cỏ Tây, đề nghị doanh nghiệp khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (tỉnh Tây Ninh) tăng lượng nước ngọt xả về sông Vàm Cỏ Đông để đẩy mặn, giúp lấy nước ngọt cho sản xuất… Nhưng cũng chỉ cứu được một phần nhỏ trong số hàng ngàn hécta lúa, hoa màu bị khô nước.

Trong khi đó, cảnh báo từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho thấy, từ 11-15.3 mới là thời điểm hạn mặn cao nhất, có thể vượt mức hạn mặn lịch sử năm 2016, nguy cơ khiến gần 158.900 hộ thiếu nước sinh hoạt; trong đó, có 24.000 hộ (chiếm 16%) ở vùng của công trình cấp nước tập trung, 134.800 hộ (84%) ở vùng cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Số hộ thiếu nước sinh hoạt tại các tỉnh: Trà Vinh 8.600 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Cà Mau 13.500 hộ, Long An 40.600 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Bến Tre 36.800 hộ, Hậu Giang 2.200 hộ, Tiền Giang 12.300 hộ.

Thanh Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: Gần 159.000 hộ dân, 80.000ha cây trồng thiếu nước ngọt