Ngày 7/8, ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các đơn vị liên quan bố trí nguồn vốn nhằm thi công hoàn chỉnh cầu vượt nút giao Dầu Giây (nối giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20, đoạn qua huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, cầu vượt nút giao Dầu Giây là dự án trọng điểm, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông liên tục xảy ra trên tuyến, tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng tại khu vực này, nên dự án tiếp tục đắp chiều chờ giải phóng mặt bằng bên trái tuyến
Cơ quan Trung ương, chủ đầu tư cần nhanh chóng bố trí vốn, nguồn nhân lực sớm thi công, hoàn thiện công trình, xóa bỏ “điểm đen” về ùn tắc, tai nạn giao thông.
Dự án xây dựng cầu vượt nút giao Dầu Giây do Công ty cổ phần BT 20-Cửu Long làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2017, theo kế hoạch, tháng 3/2018, công trình sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên, trong năm 2017 và 2018, do vướng giải phóng mặt bằng nên dự án thi công cầm chừng, từ năm 2019 đến nay, mặt bằng phục vụ dự án cơ bản được bàn giao, song do thiếu vốn nên hơn 1 năm qua, dự án bị đình trệ, ngưng thi công.
Dự án nút giao ngã tư Dầu Giây gồm các hạng mục chính là xây dựng cầu vượt Dầu Giây dọc theo Quốc lộ 1, mặt cắt ngang cầu 16 m với 4 làn xe cơ giới. Phần nút giao được mở rộng cả trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20; mở rộng một đoạn Quốc lộ 20 dài khoảng 1,5 km từ nút giao Dầu Giây về hướng TP. Đà Lạt… Theo phương án ban đầu, đối với hạng mục cầu vượt Dầu Giây và mở rộng Quốc lộ 1, cả hai bên cầu vượt được thiết kế có 8 làn xe (cầu vượt Dầu Giây có 4 làn xe, 2 tuyến 2 bên cầu mỗi tuyến có 2 làn xe).
Theo ông Hoàng Văn Mậu, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần BT 20-Cửu Long, qhiện nay, do đã cạn vốn nên chủ đầu tư đang tính toán để thu hẹp quy mô dự án bằng cách giảm số làn xe so với thiết kế ban đầu. “Riêng việc mở rộng Quốc lộ 1 phía bên trái tuyến, hiện chúng tôi chưa có kinh phí để chi trả tiền giải phóng mặt bằng, nên việc thi công cũng không thể tiến hành. Chỉ khi có nguồn vốn được bố trí từ việc hoàn thuế, chúng tôi mới có thể thi công được”
Ban đầu, chủ đầu tư dự kiến chi khoảng 22 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng, nhưng do quá trình thu hồi đất kéo dài, giá đất tăng nên đến nay tiền chi cho giải phóng mặt bằng tăng gấp nhiều lần (khoảng 130 tỷ đồng).
Cũng theo ông Mậu, hiện nay, Công ty cổ phần BT 20 – Cửu Long đang tiến hành làm việc với Cục Quản lý đường bộ IV để thống nhất về phương án điều tiết giao thông qua nút giao ngã tư Dầu Giây khi giảm số làn đường của dự án. Khi đơn vị này chấp thuận phương án, chủ đầu tư mới có thể tiếp tục thi công.
Ngoài ra, theo phương án tài chính ban đầu, toàn bộ số vốn thực hiện dự án được lấy từ nguồn hoàn thuế VAT của dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20. Song đến nay, Bộ Tài chính không chấp nhận phương án hoàn thuế cho chủ đầu tư.
Dự án nút giao ngã tư Dầu Giây gồm các hạng mục xây dựng cầu vượt nút giao Dầu Giây dọc theo Quốc lộ 1A, mặt cắt ngang cầu 16m với 4 làn xe cơ giới.
Phần nút giao được mở rộng cả trên Quốc lộ 1A và Quốc lộ 20. Phần mở rộng 2 bên Quốc lộ 1A (dọc theo cầu vượt) có 4 làn xe (mỗi bên 2 làn xe).
Dự án được triển khai với mục tiêu ban đầu là giải quyết “điểm đen” về ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn giao nhau với Quốc lộ 20.
Ngọc Linh