Đánh giá được tiềm năng to lớn với nhiều địa danh, phong cảnh nổi tiếng, tỉnh Đồng Nai đang tập trung triển khai hàng loạt các giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
>>>Hãng Opel bị yêu cầu triệu hồi 73.000 xe do gian lận khí thải
>>>Bồ Đào Nha cấm sử dụng sản phẩm nhựa trong cơ quan nhà nước
Thời gian qua, khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến Đồng Nai với những địa danh, phong cảnh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên; Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai; thác Giang Điền, thác Mơ, hồ Trị An… Những năm trở lại đây, khách du lịch từ các địa phương lân cận, nhất là TP.Hồ Chí Minh đã tìm đến các điểm du lịch sinh thái của Đồng Nai ngày càng đông.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, số lượng khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã lên đến hơn 3,4 triệu lượt người, mang lại doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, 9 tháng của năm 2018, cũng đã có gần 3 triệu lượt khách đến vui chơi, giải trí tại các khu, điểm du lịch của Đồng Nai, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm 2017. Do lượng khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn đông nên doanh thu ngành du lịch trong tỉnh đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gần 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có hơn 312 nghìn lượt khách đến các khu du lịch đã lưu trú lại qua đêm.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, sở dĩ lượng khách trong và ngoài tỉnh đến các điểm, khu du lịch tăng cao và chi tiêu nhiều hơn là vì các khu, điểm du lịch chú ý đầu tư đến hạ tầng, dịch vụ… Vào các dịp lễ, các khu du lịch đều làm mới và nâng cấp thêm các công trình vui chơi.
Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh hiện có 21 khu du lịch, với nhiều điểm vui chơi, nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp. Du lịch Đồng Nai phần lớn là du lịch sinh thái, nhà vườn cây trái…, loại hình được xem là khá hấp dẫn du khách nước ngoài. Vì vậy, ngày càng có nhiều khách du lịch tìm đến Đồng Nai để trải nghiệm loại hình du lịch này.
Nắm bắt nhu cầu trên, để tạo điểm nhấn níu giữ khách dừng chân lâu hơn, ngành du lịch Đồng Nai đã quyết tâm tạo đột phá phát triển từ những lợi thế sẵn có về rừng và sông. Nhằm khai thác tốt du lịch sinh thái rừng và du lịch đường sông, tỉnh định hướng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết với các địa phương; tiếp tục nâng cấp các khu điểm du lịch hiện có, tạo ra các sản phẩm mới…
Theo quy hoạch phát triển ngành du lịch Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có tới 28 danh mục dự án và nhóm dự án với tổng vốn đầu tư cần huy động hơn 19.700 tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu trong 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú tăng 12%/năm, với kỳ vọng đạt khoảng 5 triệu lượt người vào năm 2020, tương đương doanh thu du lịch đạt 1.700 tỷ đồng.
Võ Tùng (t/h)