Đồng Tháp: Biến chai nhựa, giấy vụn thành học bổng giúp học sinh nghèo

Ngọc Linh (t/h)|24/05/2019 01:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Suốt 6 năm qua, mô hình “Thu gom chai nhựa gây quỹ học bổng xanh” đã được Đoàn trường THPT Tháp Mười, huyện Tháp Mười thực hiện. Đây là mô hình vừa bảo vệ môi trường, lại vừa tạo ra kinh phí gây quỹ học bổng giúp đỡ học sinh (HS) nghèo.

Thầy Nguyễn Văn Hậu, Bí thư Đoàn trường THPT Tháp Mười, cho biết mô hình “Thu gom chai nhựa gây quỹ học bổng xanh” được Đoàn trường triển khai từ năm học 2013 – 2014 đến nay.

Xuất phát từ thực tế hàng năm trường có hơn 100 học sinh khó khăn cần giúp đỡ, trong khi các nguồn lực huy động chưa đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, với quy mô 1.400 học sinh đến trường học tập và sinh hoạt hằng ngày, lượng rác thải của trường rất lớn, trong đó có nhiều loại rác có thể tái chế được.

Đoàn trường THPT Tháp Mười đã bàn bạc, đề xuất với lãnh đạo trường để triển khai chương trình thu gom chai nhựa, giấy vụn nhằm gây học bổng giúp học sinh nghèo.

Hàng ngày, học sinh thu gom chai nhựa, giấy vụn trong lớp hoặc trên sân trường cho vào sọt rác của lớp mình đang học. Cuối buổi, học sinh mỗi lớp mang vật dụng thu gom được để Đoàn trường thống kê, tổng hợp và công khai làm cơ sở tính điểm thi đua, khen thưởng cho từng lớp.

Học sinh Trường THPT Tháp Mười thu gom chai nhựa để gây quỹ học bổng

Với cách làm như trên, trung bình mỗi tuần học sinh của Trường THPT Tháp Mười thu gom được từ 40 – 50 kg chai nhựa, giấy vụn. Số rác thải trên được Đoàn trường tập hợp để bán cho các vựa ve chai và thu về số tiền từ 200.000 – 250.000 đồng/tuần, góp vào Quỹ “Học bổng xanh” của trường.

Qua 6 năm học liên tiếp thực hiện mô hình, Đoàn trường THPT Tháp Mười đã thu được tổng số tiền hơn 36 triệu đồng từ việc bán chai nhựa, giấy vụn để trao 58 suất học bổng (500.000 đồng/suất) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của trường.

“Việc triển khai thu gom chai nhựa, giấy vụn không chỉ giúp trường có thêm nguồn quỹ học bổng mà còn giúp học sinh có được ý thức tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Các em có thêm tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt. Từ khi triển khai mô hình đến nay khuôn viên trường luôn được giữ gìn sạch đẹp”, thầy Nguyễn Văn Hậu nói.

Thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai thêm nhiều thùng rác thân thiện được trang trí hình ảnh vui tươi ở các dãy lớp học và khuôn viên sân trường để nhận vỏ chai nhựa, giấy vụn của HS.

Ngọc Linh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đồng Tháp: Biến chai nhựa, giấy vụn thành học bổng giúp học sinh nghèo
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.