Đoạn sông từ cầu Sở Thượng đến cầu Nguyễn Tất Thành qua 3 phường, rộng 50 ha mặt nước, vừa được thành phố Hồng Ngự cấm khai thác thủy sản dưới mọi hình thức.
Ngày 15/4, ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành uỷ Hồng Ngự, cho biết đoạn sông này mỗi năm thường được người dân thả hàng tấn cá phóng sinh, song sau đó lại bị một số người đánh bắt theo kiểu tận diệt. Mấy năm qua, lượng cá trên đoạn sông sụt giảm nghiêm trọng.
“Đây là vùng cửa sông có nhiều dòng chảy, là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản”, ông Luân nói và cho biết cùng với cấm, thành phố vận động nguồn xã hội hóa để tạo một số điểm cho cá ăn, nhanh chóng tăng trưởng, sinh sôi. Hiện đàn cá sông gần bến thuyền, được bổ sung thức ăn nên khá đông, chủ yếu cá mè vinh, điêu hồng và một ít cá tra. Thành phố cũng triển khai dự án hỗ trợ người dân chuyển đổi từ đánh bắt ngoài tự nhiên sang nuôi trồng.
TP Hồng Ngự cấm biển báo khu vực cấm khai thác trên đoạn sông dài khoảng 3 km.
Hồng Ngự là địa phương đầu tiên cấm đánh bắt thuỷ sản dưới mọi hình thức để bảo vệ nguồn lợi tự nhiên đang cạn kiệt. Trước đó, mùa lũ năm 2017, An Giang có lệnh cấm đóng đáy (một ngư cụ phổ biến ở miền Tây) bắt cá linh non dưới 50 mm trong ba tháng, sau đó dỡ bỏ lệnh khi cá đủ lớn.
Sông Tiền dài hơn 230 km, là một nhánh của sông Mêkong chảy từ Campuchia vào Đồng bằng sông Cửu Long qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Cùng với sông Hậu, sông Tiền có lượng cá, tôm dồi dào, nhất là thời điểm lũ từ thượng nguồn đổ về.
Giang Anh