Tiệm tạp hoá nói không với túi nilon ở Đà Nẵng

Gia Hân|28/02/2022 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tại TP. Đà Nẵng có một tiệm tạp hóa mang tên “No Waste To Go”, nghĩa là hướng đến không rác thải. Hàng hóa ở đây được chứa trong các chai lọ thủy tinh, không sử dụng túi nilon dùng một lần, toàn bộ hàng hóa đều là sản phẩm “xanh”; khách đến mua hàng tự mang theo túi, chai, lo để đựng hàng và chỉ mua vừa đủ sản phẩm cần dùng, tránh lãng phí. Lợi nhuận được tính là số túi nilon giảm thiểu được.

Tiệm tạp hóa nằm ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Chủ tiệm tạp hóa là chị Hồ Hoàng Oanh (37 tuổi), một người tích cực với các hoạt động về môi trường

Tại tạp hóa No Waste To Go (Đà Nẵng), hơn 400 mặt hàng tiêu dùng đều được trong các bình thủy tinh, không sử dụng bao bì nhựa, túi nilon

Tạp hoá không rác thải

Như biệt lập với những xô bồ của phố phường, cửa hàng tạp hoá No Waste To Go nằm lặng lẽ trên đường Bà Huyện Thanh Quan (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Phía sau khoảng sân phủ đầy cây xanh là không gian của tiệm với những kệ gỗ được bố trí dọc các bức tường, phía trên xếp ngay ngắn các loại hũ thủy tinh lớn đựng các loại hàng hóa. Đến với “tạp hoá xanh” No Waste To Go lòng người cũng như dịu lại muốn được sống xanh, sống chậm.

Chị Hồ Hoàng Oanh chia sẻ: Bén duyên với môi trường từ những năm còn là học sinh cấp ba, chị Oanh thay vì đi xe máy mà chọn xe bus để đi học. Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm tại Đại học Singapore, chị Oanh tham gia nhiều dự án xử lý rác thải tại các địa phương ở Việt Nam. Đến năm 2019, chị quyết định khởi nghiệp với No Waste To Go, mong muốn góp phần nhỏ bé để hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng.

Gọi No Waste To Go là “tạp hóa xanh” bởi mua hàng ở đây, khách phải tự mang theo túi, chai, lọ để mua các sản phẩm mình cần. Khách có thể mua đủ số lượng cần dùng. Còn với chủ quán, lợi nhuận của cửa hàng được tính bằng từng chiếc túi nilon giảm thiểu được.

“Hiện nay các hệ thống mua sắm hiện đại thường khuyến khích mọi người mua các sản phẩm như quần áo đến hoá mỹ phẩm nhiều hơn so với nhu cầu. Đây là những yếu tố khiến thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề như: Ô nhiễm đại dương, ô nhiễm rác thải nhựa, mất cân bằng sinh thái. No Waste To Go đưa ra giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa nhưng đồng thời cũng khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu vừa phải và đúng mục đích.

Người ta làm những việc lớn lao, còn với sức bé nhỏ của mình, mình cũng muốn đóng góp những điều nhỏ bé để giảm sức ép lên môi trường, Trái đất”- chị Oanh chia sẻ.

Tiệm “tạp hóa xanh” No Waste To Go dần trở thành điểm đến tiêu dùng quen thuộc của những người yêu môi trường, trong đó có nhiều khách quen là người nước ngoài sinh sống tại TP. Đà Nẵng

Tiệm bán hơn 400 mặt hàng là các sản phẩm sạch, có nguồn gốc từ tự nhiên, từ thực phẩm khô, gia vị, nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt, dầu gội đầu, kem đánh răng… cho đến các loại tinh dầu, nến thắp hoàn toàn là sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Lúc nhập hàng về, chị Oanh cũng yêu cầu các đơn vị phân phối hạn chế tối đa bao bì đi kèm.

Cầm trên tay một bánh dầu gội đầu, chị Oanh nói: “Một trong những sản phẩm dược mỹ phẩm nổi bật tự sản xuất của No Waste To Go là các bánh dầu gội. Khi nhắc đến dầu gội đầu, mọi người thường nghĩ đến dầu gội dạng lỏng được đựng trong các chai nhựa. Nhưng bánh dầu gội đầu này giống như một bánh xà phòng tắm, không cần đựng trong bất kì loại chai lọ nào, rất tiện khi mang đi du lịch. Còn các loại kem dưỡng ẩm, lăn khử mùi, dầu dưỡng da…, tiệm lựa chọn nguyên liệu với tiêu chí không độc hại với con người, độ phân hủy sinh học cao, không gây hại cho sinh vật dưới nước”.

Hình thành thói quen tiêu dùng xanh

Chị Oanh kể, thời gian đầu vì khá mới mẻ nên trong khoảng 4 tháng đầu, cửa hàng chỉ bán được cho một vài khách. Nhận thấy người dân chưa quen với việc mua sắm kiểu này, chị Oanh tích cực tham gia các hội nhóm về môi trường, mang gian hàng đến các phiên chợ nông sản sạch để quảng bá.

Các sản phẩm bày bán đều có mức giá bình dân, chất lượng tốt và có nguồn gốc rõ ràng. Dần dần, mọi người biết đến cửa hàng và trở thành khách quen. Những người trong khu phố đến những người ở xa hơn chục km … cũng tìm đến mua sắm thường xuyên. Giờ đây, khi khách đến mua hàng, nhiều người còn mang theo hũ thủy tinh, chai, lọ sạch không dùng  đến để “góp” cho những khách hàng khác quên mang đồ đựng có thể dùng.

Với mong muốn khuyến khích mọi người có thói quen mua vừa đủ dùng, cửa hàng thậm chí bán cả 1g bột nghệ, 1 thìa cà ri, 10g tiêu… Theo chị Oanh, nếu người tiêu dùng mua cả gói, nhưng lại không dùng hết, phần thừa còn lại sau khi hết hạn phải đem vứt rất lãng phí, tạo thêm gánh gánh nặng cho môi trường.

Đến No Waste To Go, khách hàng được khuyến khích chỉ mua vừa đủ dùng, thậm chí gia vị có thể tính bằng số thìa, 10 gram hoặc 20 gram

Ngoài gian hàng tạp hóa, tại No Waste To Go còn có góc tái chế, nơi mọi người mang những đồ không dùng (quần áo cũ, sách, hộp, chai, lọ…) để người có nhu cầu đến lấy miễn phí. Tiệm cũng thu gom các loại rác thải tái chế, kết hợp với nhà máy ở Hội An (Quảng Nam) để ép thanh ván, dùng làm bàn ghế, nội thất… Tất cả nhằm giảm nhu cầu mua sắm, kéo dài vòng đời của sản phẩm.

“Trong 5 năm tới, mục tiêu của mình là phổ biến mô hình này càng sâu rộng hơn nữa cho cộng đồng và biến thói quen “tiêu dùng xanh” trở thành một điều bình thường trong cuộc sống của tất cả mọi người. Mình sẽ đi những bước chậm mà chắc, khi mình có thêm một khách hàng là họ đã bỏ thêm vào một lá phiếu quyết định cho tương lai của Trái đất. Không một ai có thể làm việc này mà cần sự tập hợp cả nhiều cá nhân. Chúng ta sẽ có một thế giới No Waste To Go”, chị Oanh cho hay.

Năm thứ nhất, No Waste To Go cắt giảm được 4.322 bao bì nhựa, túi nilon. Đến năm thứ hai, con số này tăng lên thành 10.800 vật phẩm bao bì nhựa, túi nilon. Con số này dự báo sẽ tăng trong thời gian tới khi mà chị Oanh đang có lượng khách hàng tăng theo từng năm.

Gia Hân

Bài liên quan
  • Hà Nội: Nỗ lực để Thành phố không còn rác thải nhựa
    Moitruong.net.vn – Hiện phong trào hạn chế rác thải nhựa tại Hà Nội đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tuyên truyền thôi chưa đủ, cần nâng cao nhận thức chung của người dân thì còn cần hoàn thiện chính sách, tăng thuế, khuyến khích tái chế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tiệm tạp hoá nói không với túi nilon ở Đà Nẵng