UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; các tổ chức, đoàn thể; Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố và các cơ quan báo, đài Thành phố về tiếp tục thực hiện chương trình “Giảm sử dụng túi nilon” và triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, UBND Thành phố giao các Sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện và đề nghị các tổ chức đoàn thể, các cơ quan truyền thông tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi nilon trên địa bàn Thành phố; thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2019 – 2021 và thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.
UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổng hợp, thông tin kết quả thực hện về Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ vào ngày 15/11 hàng năm.
Một khu chợ ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh: Tiểu thương sử dụng lá chuối để gói hàng, thay cho túi ni lông – Ảnh: báo Giáo Dục TPHCM
Bên cạnh đó, UBND Thành phố giao Cục thuế Thành phố, Cục Hải quan Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính và UBND các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Công văn số 2205/UBND-ĐT ngày 04/6/2019 của UBND Thành phố về thực hiện thông báo kết quả kiểm toán việc thực hiện giải pháp giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy theo Đề án của Chính phủ.
Riêng tiểu thương tại các chợ dân sinh, thành phố cho biết cần giảm 50% túi nilon khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.
Cùng các việc trên, thành phố nhấn mạnh cần có giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng, áp dụng hình phạt lao động công ích đối với các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh nơi công cộng nhiều lần.
UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn quận, huyện và đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức các mô hình, các điểm thu gom các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng trong cộng đồng để trao đổi lấy quà hoặc các sản phẩm tiêu dùng; gắn kết chặt chẽ với công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm tăng cường khả năng tái chế các loại chất thải rắn phát sinh trong quá trình sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường đô thị và tổ chức kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp xả thải ra đường, cống thoát nước, kênh, rạch…
UBND Thành phố cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và các tổ chức thành viên tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” trong cộng đồng để cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ ô nhiễm nhựa và ni lông đến môi trường, con người. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng mô hình, cách làm hay trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng từ nhựa, bao bì, túi ni lông và ký kết vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định; khuyến khích cộng đồng đăng ký cam kết tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Thùy Trang