(Moitruong.net.vn) – Tình trạng đốt chất thải, phụ phẩm công nghiệp, đặc biệt là hoạt động tái chế tại các làng nghề bằng hình thức đốt hở, đốt ngoài trời là một trong những thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay. Đáng chú ý, trong khi nhiều địa phương đang từng ngày phải “sống chung” với cảnh môi trường bị ô nhiễm do việc đốt rác thải công nghiệp bừa bãi thì biện pháp xử lý triệt để những vi phạm liên quan gần như vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam mỗi năm có tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 24,5 triệu tấn; chất thải rắn công nghiệp 8,1 triệu tấn và khoảng 800 nghìn tấn chất thải nguy hại. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực các thành phố mới đạt khoảng từ 70% – 85%. Riêng đối với khu vực nông thôn tỷ lệ này tương đối thấp, chỉ đạt từ 40% – 55%.
Hệ lụy nhãn tiền là, hoạt động đốt hở tại các cơ sở tái chế chất thải quy mô nhỏ ở các làng nghề và việc đốt ngoài trời các phế phẩm công nghiệp như vỏ dây điện, đồ nhựa… được tiêu hủy bằng phương cách đốt bỏ đang diễn ra tương đối phổ biến. Hoạt động đốt rác thải này cũng đang là những thách thức lớn trong công tác quản lý ô nhiễm môi trường.
Hoạt động đốt chất thải công nghiệp là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Luyện Đinh
Hệ lụy ô nhiễm từ hoạt động đốt rác có thể dễ dàng bắt gặp ở thôn Vân Điềm, xã Vân Hà và thôn Thụy Lôi, xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh). Theo khảo sát của phóng viên, tại các địa phương này, hàng trăm người dân đang phải sống chung với cảnh môi trường bị ô nhiễm do người dân thôn Quan Độ, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đốt rác thải công nghiệp bừa bãi.
Trong lần tiếp xúc với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Tửu, Chủ tịch UBND xã Thụy Lâm cho biết, không phải đến bây giờ những hệ lụy ô nhiễm và dư luận địa phương mới tỏ ra bức xúc vì tình trạng này. Qua tìm hiểu, nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại thôn Vân Điềm và Thụy Lôi là do thôn Quan Độ, xã Văn Môn có nghề thu gom phế liệu (chủ yếu gom dây điện, dây cáp, thiết bị điện tử hỏng) đốt bừa bãi và gây ảnh hưởng. Cụ thể, sau khi tách dây ra để lấy kim loại bên trong, rác thải là vỏ của các thiết bị điện, vỏ dây điện, dây cáp được người dân đổ về các bãi tập kết, rồi… đốt trộm.
Ðáng lo ngại, theo tìm hiểu hoạt động đốt rác thải công nghiệp ngoài trời từ Quan Độ không chỉ gây hậu quả trước mắt như ô nhiễm không khí, bụi, khói… mà trong quá trình đốt còn phát sinh các chất đi-ô-xin, phu-ran, nhất là các chất POP mới tồn tại bền vững trong môi trường. Về lâu dài, nếu người dân tiếp xúc với các chất POP thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai…
Đâu là giải pháp hạn chế
Khách quan nhìn nhận, hiện trên nhiều làng quê vẫn còn tình trạng đổ rác thải bừa bãi, trong đó có lẫn cả rác thải công nghiệp diễn ra phổ biến ở các khu vực công cộng, dọc sông, ao hồ gây ô nhiễm môi trường. Đây là hệ quả của việc phân loại chất thải công nghiệp tại nguồn chưa đi vào cuộc sống.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu, hiện vấn đề đốt chất thải công nghiệp đã được các đơn vị chức năng liên quan quan tâm và có những định hướng xử lý. Cụ thể, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, Việt Nam đã tham gia Công ước Xtốc-khôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), trong đó có quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất thải POP do con người tạo ra.
Ngoài ra, để thực hiện các quy định của Công ước Xtốc-khôm về POP, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1598/QÐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Xtốc-khôm về POP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu quản lý, kiểm soát ô nhiễm, giảm phát thải, xử lý và tiến tới loại bỏ các chất POP ở Việt Nam, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam và hội nhập quốc tế…
Trên khía cạnh pháp lý, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 cũng có những điều, khoản nghiêm cấm rất rõ hành vi liên quan. Chẳng hạn, chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí… Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy.
Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm đến mức thấp nhất, từng bước thực hiện việc tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng…
Dẫn như vậy để thấy rằng, hành vi đốt chất thải gây khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Trong khi chờ đợi các ngành chức năng hoàn thiện và phổ biến các quy định liên quan, trước mắt để hạn chế tình trạng tình trạng đốt chất thải công nghiệp một cách triệt để thì công tác tuyên truyền và huy động người dân cùng vào cuộc là hết sức cần thiết.
Theo LĐTĐ