“Người Pháp xây kè để trị thủy, chỉnh lưu chứ không phải để lấn đất”
Vừa qua, các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều bài viết về vấn đề này. Tuy nhiên, tại hội thảo, KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban quy hoạch TP Đà Nẵng phản biện về 2 vấn đề: “các công trình có lấn sông Hàn hay không và có ảnh hưởng đến dòng chảy hay không bởi vì theo luật của Quốc hội đã thông qua năm 2015, luật môi trường biển là lấn sông là vi phạm pháp luật. Đã lấn sông, đã vi phạm luật thì dầu ai có duyệt cũng đều vi phạm pháp luật”.
Toàn cảnh hội thảo phản biện
Đối chiếu hình ảnh nhà chồ (nhà dựng tạm bợ ven sông nước) được chụp cách đây 20 năm với dự án Marina Complex hiện tại, “giờ nó lui vào trên dự án chúng ta đang nói đây, rõ ràng phía bờ Đông sông Hàn đã bị lấn 300m”, ông Diệm khẳng định.
Theo đó KTS Hồ Duy Diệm cũng đặt ra câu hỏi: “Các đồng chí lãnh đạo đi kiểm tra đã thống kê được chúng ta có bao nhiêu dự án lấn sông? Còn có ảnh hưởng đến dòng chảy hay không? Các con số một số người nói là ảnh hưởng ít, vậy ảnh hưởng ít là bao nhiêu, cái ít đó đối với vận mệnh thành phố này là như thế nào. Cả thành phố này chỉ một trận mưa đã lụt rồi, bây giờ cả lụt cả lũ, biến đổi thời tiết, biến đổi khí hậu… thì không phải một ít đâu. Còn các khu du lịch, nghỉ dưỡng biệt thự lấn sông này không phải dành cho cộng đồng”
Đối với việc 1 số cơ quan chức năng TP Đà Nẵng viện lý do thời Pháp đã có kè bằng đá ở bên bờ sông Hàn để ủng hộ các dự án lấn sông. Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng cho rằng: “đây chỉ là cái cớ của những người ủng hộ dự án bởi thực chất kè đá thời Pháp chỉ dùng để trị thủy, chỉnh lưu chứ không phải để lấn đất, tăng diện tích đất”. Ông Tiếng khẳng định và đề nghị thành phố không cho tiếp tục triển khai dự án Marina và các dự án tương tự.
Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng
“Quy hoạch đã sai ngay từ khi định hướng”
Đồng quan điểm với KTS Hồ Duy Diệm và ông Bùi Văn Tiếng, KTS Phan Đức Hải – Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng nhận định: Sau 20 năm, sức nóng của đô thị hóa đã khiến dải lụa sông Hàn bị chèn ép dưới sức nóng của các dự án, Đà Nẵng bị lấn sông rất nhiều. Việc này đã khiến dòng sông bị thu hẹp thêm từ 60- 100m, hình dáng tam giác của bờ kè gây ức chế về thị giác tạo cảnh quan dòng sông xấu đi. Bên cạnh đó, một không gian công cộng duy nhất còn lại đang bị tư hữu hóa và xây dựng các biệt thự, chung cư cao cấp đã khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ trong thời gian qua.
Đối với vấn đề quy hoạch dự án, KTS Phan Đức Hải cho rằng: “Quy hoạch đã sai ngay từ khi định hướng, cho nên mọi việc biện minh cho việc 4 lần điều chỉnh quy hoạch là đã tốt hơn rồi. Đó là ngụy biện cho quyết định sai ngay từ ban đầu. Thành phố văn minh hiện đại thân thiện môi trường thì cớ gì một mảnh đất ven sông này mà cũng phát triển đô thị, làm như vậy chỉ thấy lợi trước mắt, chúng ta đang đánh cắp không gian của tương lai con cháu chúng ta. Còn bến du thuyền thường thì có các hạng mục nhà chờ, vườn hoa, bãi đỗ xe, quảng trường, công trình dịch vụ thương mại, khách sạn, đường đi dạo ven sông… tất cả chỉ phục vụ mục đích công cộng. Có lẽ ngay khi lập nhiệm vụ quy hoạch đã thể hiện rõ điều này thì đâu xảy ra cơ sự này. Nếu bến du thuyền hoạt động tốt, du thuyền nhiều, du khách đông thì một ít đất này có lẽ không đủ phục vụ, đến lúc này còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết”.
KTS Phan Đức Hải, Chủ tịch hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng
Liên quan đến vấn đề dự án xây dựng ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hàn, KTS Phan Đức Hải cũng cho rằng: “Dẫu biết các dự án khi xây dựng đều phải đúng quy trình tuân thủ các quy định pháp luật, có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được phê duyệt 2 lần. Tuy nhiên việc Sở Xây dựng khẳng định dự án BĐS và bến du thuyền không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn đặc biệt là trong mùa mưa lũ theo chúng tôi là chưa thỏa đáng.
Dù biết, sông Hàn là con sông chưa bao giờ ngập lụt, phía cửa sông ban đầu chỉ rộng 700m qua quá trình xây dựng đã thu hẹp còn 500m thì không thể nói là không bị tác động. Khi dòng chảy bị thu hẹp, thì vào mùa mưa lũ, lượng nước cực lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ gây hiện tượng chảy tràn, xói lở, ngập úng cục bộ 2 bờ sông.
Dự án BĐS và bến du thuyền Marina Complex
Cho nên cần phải giám định lại các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án ven sông, có nghiên cứu tổng thể trong một lưu vực lớn lồng ghép với những yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu và nước biển dâng để trả lời một cách khách quan về tác động của dòng chảy, thoát lũ của sông Hàn cho người dân được biết.
Việc lấn sông, xây kè thì đã rồi, dư luận xã hội có phản ứng nhiều nhất vẫn là không gian công cộng. Theo chúng tôi không nên xây dựng các công trình như dự kiến. Tốt nhất nên dừng lại để xây dựng một tầm nhìn mới có thể đạt được qua một đồ án quy hoạch tổng thể mà trong đó chính quyền cân bằng giữa lợi ích chính đáng của người dân và nhà đầu tư”, ông Hải đề nghị.
Tân Mỹ