Ngày 9/9, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo tình trạng ấm lên toàn cầu đang đẩy mực nước biển dâng cao, đồng thời cũng đe dọa nguồn cung nước sạch cho hàng tỉ người trên thế giới vào giữa thế kỷ này.
Tình trạng khan hiếm nước đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều khu vực. LHQ một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo trách nhiệm của con người trong việc bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên quý giá này.
Trong báo cáo, LHQ cho biết do tác động của biến đổi khí hậu, 5 năm qua được ghi nhận là ấm kỷ lục và xu hướng này sẽ còn tiếp diễn. Nhiệt độ ấm hơn làm giảm số lượng các sông băng và dải băng trên thế giới. Khối lượng băng tan chảy trong giai đoạn 2016-2019 cao hơn bất cứ giai đoạn 5 năm nào kể từ năm 1950. Ðáng nói, sự biến mất các sông băng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp cận nước sạch của nhiều người.
Thập niên qua có 1,9 tỉ người sống ở những vùng thiếu nước sạch, nhưng đến năm 2050 con số này dự báo sẽ lên tới 3,2 tỉ. Tài liệu nhấn mạnh những tác động “ngày càng lớn và không thể đảo ngược” của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến các sông băng… và thường cảm nhận được thông qua các hiện tượng liên quan nước như hạn hán hoặc lũ lụt.
Khoảng 890 triệu người trên trái đất không có khả năng tiếp cận nước sạch, trong đó 40% tập trung chủ yếu ở các nước chậm phát triển và những nơi khí hậu diễn biến thất thường. Ít nhất 12 quốc gia ở Trung Ðông và Nam Á hiện ở trong tình trạng “khan hiếm nước tuyệt đối” và khoảng hai phần ba nguồn cung cấp nước ngọt tại Trung Ðông phụ thuộc các nước ngoài khu vực.
Dự báo đến năm 2050, thời điểm dân số thế giới cán mốc chín tỷ người, nhu cầu về nước sẽ tăng 55% và hai phần ba trong số đó sẽ phải sống trong điều kiện khó khăn về nước. An ninh nguồn nước cũng có mối quan hệ mật thiết với vấn đề an ninh lương thực. Thiếu nước có thể đe dọa trực tiếp “nồi cơm” của hàng tỷ người trên trái đất. Trong khi đó, nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do những hoạt động của con người. Ðây là “kẻ thù” số một gây ra các loại bệnh đường ruột nguy hiểm gây tử vong cao nhất như thương hàn, tả, sốt xuất huyết, viêm gan…
Giới phân tích nhận định vấn đề khan hiếm nước ngọt đang trở thành thước đo ngày càng quan trọng để xác định uy tín trả nợ của một quốc gia. Do vậy, nó cũng tạo áp lực buộc các nước phải hành động chống biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một số quốc gia có thể giảm tới 6% trong 30 năm tới do những căng thẳng về nước sạch.
Ngọc Ánh (t/h)