Dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng xử lý sạt lở đê biển ở Nam Định

Minh Lâm|21/08/2023 11:21
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tỉnh Nam Định được cấp kinh phí để xử lý sự cố ở đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh, huyện Hải Hậu, tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng.

Theo Quyết định số 3020/QĐ-BNN-KH ngày 27-7-2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc Bộ, tại Nam Định, có hai tuyến đê biển Cồn Tròn và Hải Thịnh (Hải Hậu) được đầu tư.

Quy mô đầu tư củng cố và hoàn thiện, xử lý sạt lở bao gồm: với đê biển Cồn Tròn: Xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 0,3km và làm mới hệ thống 10 mỏ hàn chữ T. Với đê biển Hải Thịnh II: Xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 1,3km, làm 04 mỏ hàn chữ T mới và sửa chữa, nâng cấp cánh kè của 5 kè mỏ hàn cũ; Đê biển Hải Thịnh III: Xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 0,2km và làm mới 03 mỏ hàn chữ T; Kè Thịnh Long: Xây dựng tuyến kè dài khoảng 1,8km thay thế kè cũ đã bị hư hỏng hoàn toàn; xây dựng thềm cơ giảm sóng dài khoảng 0,8km và làm mới hệ thống 12 mỏ kè chữ T. Tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng.

de-bien-nam-dinh.jpg
Kè Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định) đã bị hư hỏng

Quyết định này thay thế Quyết định số 4732/QĐ-BNN-KH ngày 7-12-2022 của Bộ NN và PTNT điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và điều chỉnh Khoản 2, khoản 4 Điều 1 Quyết định số 3380/QĐ-BNN-KH ngày 26-7-2021 của Bộ NN và PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Củng cố hoàn thiện và xử lý sạt lở đê biển một số tỉnh Bắc Bộ.

Liên quan đến công tác phòng chống giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, UBND tỉnh Nam Định cũng đã ban hành Công văn số 598/UBND-VP3 yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Sẵn sàng phương án hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở. Tiếp tục tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp...

Về lâu dài, tỉnh Nam Định đề nghị các ngành, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực ven sông, ven biển. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; hoạt động xây dựng; khai thác, tập kết khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, ngập úng.

Tiến hành rà soát, xây dựng dự án, báo cáo cấp thẩm quyền bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng xử lý sạt lở đê biển ở Nam Định