Ông Trần Minh Đấu (ấp Thuận Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) phấn khởi cho biết: Gia đình có 2ha đang nuôi theo mô hình quảng canh kết hợp tôm - cua - cá. Sau khi tham gia dự án và hướng dẫn sử dụng sản phẩm, chế phẩm công nghệ sinh học tôi thấy hiệu quả bất ngờ. Sản phẩm giúp cải tạo môi trường nước, con tôm hình rất đẹp, đặt biệt là cho năng suất cao.
“Về hiệu quả kinh tế, dự án giúp năng suất tôm sú tăng gấp 2 lần, lợi nhuận toàn mô hình đạt trung bình 50 triệu đồng/ha, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với mô hình truyền thống”, ông Đấu cho biết.
Cách nhà ông Đấu không xa, khi được hỏi thăm về quá trình chuyển đổi từ trống lúa sang nuôi tôm, ông Trần Văn Bảy kể lại: Khoảng năm 2000, khi chuyển đổi từ cây lúa sang nuôi tôm theo mô hình quảng canh truyền thống những năm đầu thì khá hiệu quả, người dân cũng có được cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, những năm trở lại đây trước tác động biến đổi khí hậu, mô hình dần không còn đem lại hiệu quả, nông dân mất mùa liên tục, cuộc sống sinh kế bất đầu bị đảo lộn.
“Nhận thấy sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) vào thiên nhiên ngày càng rõ rệt, ông Bảy tìm hiểu và chuyển sang mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến, đồng thời sử dụng công nghệ sinh học, từ môi trường đến năng suất tôm nuôi cũng đáp ứng được kỳ vọng của nông dân”, ông Bảy khẳng định.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đánh giá: Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất và sinh kế của người dân. Ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm giảm thiểu những rủi ro đối với sinh kế của cộng đồng, góp phần ổn định và bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế và giảm nghèo tại địa phương.
Đặc biệt, thay đổi tập quán nuôi tôm phụ thuộc vào “may rủi” sang chủ động sử dụng các công nghệ sinh học, trong quá trình sản xuất để quản lý môi trường ao nuôi. Bên cạnh đó, việc sử dụng tôm giống chất lượng cao nhằm hạn chế rủi ro do dịch bệnh, tăng năng suất. Sử dụng tôm giống sạch bệnh, dùng men vi sinh, các loại khoáng để quản lý môi trường nước trong quá trình nuôi, ương tôm trước khi đưa ra vuông nuôi. Thay đổi tập quán canh tác cũ sử dụng nhiều phân vô cơ và thuốc hoá học sang sản xuất theo hướng xanh hóa, sử dụng vi sinh kết hợp sản phẩm công nghệ sinh học và trồng rừng.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Dự án đã hỗ trợ nhiều nông dân và được đánh giá cao về hiệu quả mang lại. Đặc biệt, các hộ dân sử dụng các sản phẩm, chế phẩm sinh học, giúp cải tạo nguồn nước rất đẹp, tôm sáng bóng và sạch. Trước đó, vào vụ mưa rất ít tôm, nhưng từ khi sử dụng sản phẩm trong mùa mưa nông dân thu hoạch vẫn có tôm, giúp môi trường nuôi tôm hiệu quả, tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với mô hình khác.
Những năm qua, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt theo từng năm và không theo quy luật nào, tác động không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân tại khu vực ĐBSCL, trong đó sản xuất nông nghiệp là một trong những đối tượng chịu tác động nhiều nhất.
Cũng chính từ những tác động trên, đã giúp cho người nông dân càng thấu hiểu được sự khóc liệt, tàn phá của BĐKH đối với thiên nhiên với con người từ đời sống sinh hoạt đến sản xuất nông nghiệp. Cũng từ những tác động đó đã giúp nhiều nông dân “khai phá” ra thêm nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp vừa đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị, giúp nông dân phát triển kinh tế ổn định, quan trọng là thích nghi với thiên nhiên, với khí hậu ngày nay.
Một trong những mô hình được chúng tôi nhắc đến là mô hình sản xuất tôm - rừng chủ yếu tập trung ở vùng Bán đảo Cà Mau. Đối với mô hình tôm - rừng giúp các hộ nuôi có lãi với lợi nhuận bình quân khoảng 70 - 80 triệu đồng/ha mỗi năm. Mô hình nuôi tôm rừng dưới tán rừng ngập mặn ngập mặn vừa đảm bảo thu nhập cho người dân, phát triển bền vững, vừa đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái. Cần có giải pháp thích hợp, nhằm tạo thu nhập cho người nuôi gắn liền với bảo vệ môi trường.
Theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, đánh giá những ưu điểm từ mô hình tôm - rừng nổi trội so với các mô hình khác là vốn đầu tư ít, không sợ nguồn nước bị ô nhiễm, không sợ nắng nóng kéo dài mà lại thu lợi nhuận khá. Đó là những lợi ích của mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đem lại. Nuôi tôm dưới rừng ngập mặn được triển khai theo hình thức nuôi quảng canh cải tiến, nguồn nước tự nhiên, tận dụng nguồn nguyên liệu trong rừng, tôm thả với mật độ thưa không chứa kháng sinh.
Có thể nói, với mô hình tôm - rừng giúp người dân phải ý thức hơn trong việc trồng rừng kết hợp với nuôi tôm tạo thu nhập, bảo vệ sinh thái. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, phục hồi và phát triển bền vững môi trường sinh thái rừng ngập mặn. Hình thức nuôi tôm kết hợp với việc trồng, bảo vệ rừng cho hiệu quả cao và bền vững. Mô hình này đã tác động đến suy nghĩ người dân và kích thích người dân tự đầu tư trồng lại diện tích rừng bị mất.
“Sự kết hợp giữa tôm và rừng, vừa tận dụng được điều kiện nuôi thuận lợi. Tạo sinh kế bền vững cho người dân. Mô hình này tuy không có sự đột phá về năng suất nhưng ổn định và rất ít rủi ro trong quá trình nuôi”, ông Ly đánh giá.