Đây thực sự là một quyết định mang tính bước ngoặt kịp thời cho những người làm du lịch, cơ hội để Việt Nam sớm phục hồi ngành công nghiệp không khói.
Từ các địa phương
Thay vì 7 tỉnh thành thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine, một loạt địa phương có tiềm năng du lịch cũng đang sẵn sàng mọi phương án về nhân lực vật lực, cơ sở hạ tầng, cả những gói kích cầu dành cho khách quốc tế.
Ngành du lịch Thủ đô đã chủ động cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, đưa ra các sản phẩm mới, khai thác các thế mạnh của Thủ đô như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng… Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch của Hà Nội đã nhanh chóng xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn như tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”; tour trải nghiệm phố cổ bằng xe điện; tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp “VGreen bike tour”, tour đêm Hỏa Lò “Đêm linh thiêng sáng ngời tinh thần Việt”.
Du lịch Đà Nẵng đã sẵn sàng mở cửa trở lại với 2 thông điệp chính: “Đà Nẵng đón bạn trở lại” và “Tận hưởng Đà Nẵng”. Hiện 45% số cơ sở lưu trú, 150 đơn vị lữ hành đã hoạt động trở lại. Tín hiệu đáng mừng là thành phố biển này sẽ đón đoàn khách quốc tế đầu tiên vào ngày 27/3 của hãng hàng không Singapore Airlines.
Để chuẩn bị đón khách quốc tế, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cũng bắt đầu khai thác sản phẩm gắn với đường thủy như: tour Bạch Đằng đi Củ Chi, Cần Giờ; du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, xa hơn nữa là tour du lịch bằng trực thăng ngắm thành phố từ trên cao…
Ảnh minh họa
Trong khi đó, tại Nha Trang, dự kiến vào tháng 4, Vinpearl Submarine Nha Trang – tàu ngầm du lịch toàn kính với tầm nhìn vô cực 360o đầu tiên và duy nhất trên thế giới sẽ chính thức ra mắt, bên cạnh Tata Show – vở diễn thực cảnh đa phương tiện đẳng cấp quốc tế với phần trình diễn mãn nhãn của 150 diễn viên trong nước và quốc tế. Đồng thời, với lợi thế biển đảo, Khánh Hòa lựa chọn du lịch sức khỏe là hướng đi đón đầu.
Những địa phương vùng núi cao như Tây Bắc, Tây Nguyên lại chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch khám phá nét đẹp văn hóa bản địa phong phú, độc đáo, phát triển các homestay trải nghiệm cuộc sống địa phương. Như lò xo bị nén lâu ngày, các địa phương hiện chỉ chờ cơ hội để bứt phá, phục hồi du lịch.
Cùng cả nước, các tỉnh Nam Trung Bộ đã sẵn sàng cho một mùa du lịch Hè nhộn nhịp với hàng loạt điểm đến, chương trình kích cầu du lịch.
Tỉnh Khánh Hòa có hai tuyến để đón du khách quốc tế là Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh và tuyến đường biển với cảng Nha Trang (vịnh Nha Trang) và Cảng quốc tế Cam Ranh (vịnh Cam Ranh) dành cho tàu du lịch biển.
Bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh cho biết, đến nay, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã sẵn sàng để đón khách quốc tế.
Khánh Hòa tổ chức nhóm 18 sự kiện, hoạt động dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, gắn với Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ hội Am Chúa (hai hoạt động văn hóa thường niên mang đậm nét dân gian truyền thống và có quy mô lớn nhất tỉnh); trong đó, có nhiều hoạt động như chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Thiên YA Na,” biểu diễn làm gốm, dệt thổ cẩm, múa Chăm tại Tháp Bà Ponagar…
Với chủ đề “Nha Trang – Chào Hè 2022,” khoảng 30 hoạt động, sự kiện sẽ diễn ra vào khoảng nửa đầu tháng 6, vốn là cao điểm mùa du lịch ở Khánh Hòa, tiêu biểu là các hoạt động như Liên hoan Nghệ thuật bài chòi tỉnh Khánh Hòa mở rộng 2022, Liên hoan du lịch “Nha Trang – Biển gọi 2022,” Giải vô địch Bóng đá bãi biển Quốc gia, Giải vô địch Cầu mây bãi biển Quốc gia, Cuộc thi Hoa hậu Du lịch Biển Việt Nam 2022 (vòng chung kết)…
Hiệp hội Du lịch tỉnh Phú Yên có kế hoạch phối hợp với hai tỉnh Bình Định, Khánh Hòa xây dựng gói tham quan, nghỉ dưỡng theo phương thức “một chuyến bay, nhiều điểm đến.” Theo đó, du khách có thể đến Bình Định hoặc Khánh Hòa rồi tiếp tục tham quan nghỉ dưỡng tại Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên…
Đến chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch
Nếu tính từ giờ đến tháng 9 – mùa cao điểm du lịch của khách quốc tế, 6 tháng cũng là khoảng thời gian phù hợp để các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, điểm đến, lưu trú thực hiện xúc tiến, quảng bá các thị trường, xây dựng kế hoạch tour để đón nhiều hơn du khách đến Việt Nam.
Kết nối thị trường, thông tin thời điểm mở cửa và các phương án giá tour khác nhau cho du khách, Công ty Du lịch Pattour phấn chấn chờ đợi những dòng khách cao cấp sẽ trở lại Việt Nam vào mùa thu năm nay.
“Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các đối tác ở các khu vực, mọi người hướng dẫn cho chúng tôi rất chi tiết về thông tin yêu cầu để đảm bảo hành trình thuận lợi, như đường bay, quy định xuất nhập cảnh”, bà Vũ Giang Biên, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Du lịch Pattour, cho biết.
Nhiều cơ sở lưu trú đang tranh thủ đầu tư trang thiết bị, nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới cơ sở vật chất, tuyển dụng lại nhân sự, đào tạo các kỹ năng, xử lý tình huống phòng chống dịch.
Sau gần 3 tháng thí điểm, Vinpearl đã đón 18 đoàn khách du lịch đến từ các quốc gia truyền thống: Hàn Quốc, Nga… và cả các thị trường mới như: Uzbekistan, Kazakhstan, Lào… với hơn 3.000 lượt khách đến.
Cùng với Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airway, tạo nên bằng chuỗi dịch vụ cao cấp khép kín, đảm bảo an toàn và trải nghiệm đẳng cấp. Phú Quốc United Center tiên phong phát triển xu hướng “một điểm đến mọi nhu cầu”, là dấu mốc trong định hướng phát triển mô hình kinh tế đêm, đồng thời đánh dấu bước tiến vượt bậc của du lịch Việt Nam trong chiến lược trở thành “điểm đến mới của thế giới”.
“Bắt đầu phải triển khai tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm. Nhà nước cũng phải triển khai chiến dịch xúc tiến một cách bài bản về điểm đến Việt Nam đối với du khách tại các quốc gia”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định.
Những “liên minh” nghỉ dưỡng – hàng không – dịch vụ – lữ hành lớn mạnh, đáp ứng các chuyến bay nguyên chuyến, bay thương mại xuyên suốt quốc tế và nội địa, đưa du khách tới các điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam. Mục tiêu trong năm 2022, Việt Nam đón từ 5 – 6 triệu lượt khách quốc tế. Khách nội địa khoảng 60 triệu lượt.
Châu Giang