Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, hướng dẫn được xây dựng căn cứ trên hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm và lộ trình mở cửa của gần 40 nước, thực tiễn và quy định phòng, chống dịch tại Việt Nam; đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý của các nhà khoa học, chuyên gia, các bộ, ban, ngành, các địa phương và doanh nghiệp.
Hướng dẫn nhằm mục tiêu, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc và tử vong do COVID-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân; khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương: Thích ứng ở đây là ở mức bình thường mới, có nghĩa là chúng ta không theo đuổi không có ca mắc COVID-19 mà chấp nhận có số ca mắc nhất định trong cộng đồng
Dự thảo hướng dẫn tạm thời đưa ra 5 chỉ số, điều kiện căn bản, khả thi để có thể triển khai, áp dụng ngay tại cấp xã, phường và quy mô nhỏ hơn, gồm:
Chỉ số 1: 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19.
Hiện nay tại Việt Nam tỉ lệ tử vong ở người trên 50 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất vì vậy cần tập trung tiêm vaccine cho đối tượng này để giảm tỷ lệ tử vong. Đây là tiêu chí thể hiện rõ mục đích bảo vệ người cao tuổi, có bệnh lý nền giảm nguy cơ nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện và tử vong.
Theo ước tính thì người trên 50 tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất (chiếm tới trên 81% tổng số ca tử vong vì Covid-19). Vì vậy, chỉ số này làm rõ định hướng “sống chung an toàn” với dịch Covid-19.
Chỉ số 2: 100% trạm y tế xã phường thị trấn có 2 bình oxy và 100% huyện xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động.
Đa số ca mắc sẽ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ cần được ngành y tế hướng dẫn để chăm sóc tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế cấp xã… Tuy nhiên, nếu công tác chăm sóc, điều trị tại tuyến này không tốt thì tỷ lệ nhập viện cao và cơ hội cứu chữa sẽ khó khăn.
Vì vậy, các phương án về ôxy y tế, các trạm y tế lưu động ở tuyến cơ sở là rất quan trọng. Ngoài ra, các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất cũng cần có phương án thiết lập trạm y tế lưu động để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát. Các địa phương cần tổ chức diễn tập để sẵn sàng triển khai các biện pháp linh hoạt, hiệu quả.
Chỉ số 3: Tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh/thành phố.
Chỉ số này nhằm đảm bảo hệ thống y tế luôn sẵn sàng đáp ứng ở cấp độ dịch cao nhất để giảm các trường hợp nặng và tử vong ở 3 tầng điều trị.
Hiện nay ngành y tế đã xây dựng và vận hành phần mềm thể hiện số liệu thực về số giường điều trị hiện có của một tỉnh, huyện, số giường đang sử dụng, số giường còn trống, số giường ICU … để kịp thời điều phối, phân luồng bệnh nhân giữa các cơ sở y tế và chuẩn bị, điều chuyển trang thiết bị y tế, nhân lực kịp thời.
Ngoài ra, căn cứu vào hai chỉ số phân loại cấp độ dịch
Dự thảo hướng dẫn đã cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch
Chỉ số 4: Số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần.
Chia làm 4 mức: ≤ 20; >20 – 50; >50 – < 150; ≥ 150 ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đây là chỉ số quan trọng, trực tiếp đánh giá mức độ lây nhiễm trong cộng đồng. Ca mắc tăng nhanh thì có thể phát sinh thêm các ca mắc khác và tỉ lệ người bệnh trở nặng, tử vong đều có thể tăng theo.
Chỉ số 5: Tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19.
Chia làm 2 mức: Dưới 70% và từ 70% trở lên người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin.
Tiêm vắc-xin Covid-19 là biện pháp chiến lược, chủ động nhằm giảm tỉ lệ mắc và tử vong. Theo các chuyên gia, tiêm 1 mũi vắc-xin cũng có tác dụng bảo vệ người dân khỏi bị mắc bệnh có triệu chứng, bệnh nặng hoặc tử vong; đồng thời giảm một phần mức độ lây nhiễm.
Ngoài ra hiện nay, đối tượng tiêm vắc-xin tại Việt Nam là từ trên 18 tuổi vì vậy tỉ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều phòng vắc-xin Covid-19 được sử dụng làm chỉ số đánh giá.
Căn cứ vào các chỉ số này, để phân loại các cấp độ dịch, gồm 4 cấp: Nguy cơ thấp (bình thường mới); nguy cơ trung bình; nguy cơ cao; nguy cơ rất cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương: Hướng dẫn này sẽ là hướng dẫn khung, trên cơ sở đó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương tự đánh giá cấp độ dịch tại cấp xã hoặc quy mô nhỏ hơn như thôn, xóm, tổ đội, khóm, ấp, từ đó đưa ra các biện pháp tương ứng gồm biện pháp hành chính, biện pháp y tế, cũng như biện pháp đối với cá nhân người dân.
Hiện dự thảo hướng dẫn vẫn đang được tiếp tục lấy ý kiến, Bộ Y tế trên tinh thần tiếp thu hoàn chỉnh sớm trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ban hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàng Minh