(Moitruong.net.vn) – Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tich Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội trước sự việc thầy giáo trường THCS Khương Thượng (Hà Nội) bị thôi việc vì tát học sinh.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, thầy cô giáo không phải “tay anh chị” mà dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề, giải quyết công việc. Thầy cô giáo phải là người hiểu học sinh, nắm rõ quy luật phát triển tâm lý của trẻ để có những ứng xử và phương pháp giáo dục hợp lý. Trẻ cấp 1 thường ngoan, thầy cô liếc mắt một cái là sợ. Nhưng sang cấp 2 trẻ bắt đầu hình thành tích cách, thích khám phá mọi thứ và thể hiện bản thân. Học sinh cấp 3 có nhu cầu khẳng định mình cao.
Trong quá trình trẻ khám phá và bộc lộ cái “tôi”, các em sẽ lúc hành xử có lúc đúng, có lúc sai. Nhiệm vụ của nhà giáo ở đây là phải dùng năng lực sư phạm để hướng học sinh đến cái đúng.
Đừng luyến tiếc gì cách dạy trẻ bằng roi vọt thời xưa
Bên cạnh đó, thầy cô cũng nên quên đi và đừng luyến tiếc gì cách giáo dục bằng roi vọt thời xưa. “Yêu cho roi cho vọt” cũng chỉ vì bất lực, bí cách dạy dỗ các em mà phải dùng đến vũ lực thôi. Đòn roi không bao giờ tạo nên nhân cách tốt của một con người. Nhiệm vụ của nhà giáo ngoài dạy kiến thức còn phải dạy học trò biết yêu thương, tôn trọng, khoan dung với mọi người và biết tự chịu trách nhiệm với hành động của bản thân. Nếu chính thầy giáo không đủ khoan dung, tôn trọng, yêu thương mà ra tay đánh học trò thì còn dạy ai được nữa?
“Giáo dục không phải lúc nào cũng làm được ngay. Việc “trấn áp” một số cá nhân chỉ giải quyết được vấn đề tức thời. Chuyện học sinh hư phải là vấn đề của toàn nhà trường. Tôi nghĩ, hội đồng giáo dục nên ngồi lại để tìm cách giáo dục không chỉ với những cá nhân làm sai mà cho tất cả học sinh trong trường”, TS. Lâm chia sẻ.
Đặc biệt, khi xảy ra mâu thuẫn với học sinh, tuyệt đối người thầy không được nóng giận mà có hành vi bạo lực, kể cả bằng lời nói. Hành động này vừa không đúng với đạo đức nhà giáo, vừa vi phạm luật pháp.
Chữ “nhẫn” là bản năng của nghề giáo, giúp người thầy có đủ thời gian suy nghĩ tìm ra phương pháp giáo dục tốt, thay vì hành xử hồ đồ, nóng vội. Nhưng chữ “nhẫn” đó không phải để “thủ tiêu” chuyện giáo dục, bỏ lơ học trò. Nếu làm như thế, người thầy còn đáng tránh hơn vì có thái độ vô cảm trước cái sai, thiếu trách nhiệm với công việc của mình.
Không ít thầy cô đổ cho khách quan là học sinh bây giờ hư, học trò như là “vua” nên giáo viên sợ không dám dạy. Thậm chí nhiều thầy cô lo sợ trách, phạt học trò sẽ bị nhà trường khiển trách, cảnh cáo, đuổi việc… Chính vì vậy mà có thầy cô tỏ ra thờ ơ trong việc dạy dỗ học trò, với tâm lý vô cảm để tránh được yên thân. Nhưng sứ mệnh của người thầy là tìm ra phương pháp giáo dục để định hướng đúng cho học trò và tôn trọng những cá tính khác biệt của chúng.
Để làm người thầy chân chính, đừng nên luyến tiếc cách dạy trẻ bằng đòn roi, ngoài dạy kiến thức thầy cô còn phải dạy học trò biết yêu thương, tôn trọng, khoan dung với mọi người và biết tự chịu trách nhiệm với hành động của bản thân.
Quỳnh Trang