Đừng vì chút lợi nhuận nhỏ mà đánh mất hình ảnh du lịch Việt Nam

Lê Thị Minh Vân|24/05/2023 22:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một đĩa bún nhỏ kèm 2 miếng chả viên được bán với giá 35 ngàn đồng, không chỉ là vấn nạn “chặt chém” mà còn là sự xúc phạm du khách và cả hai việc trên đều là hủy hoại nền du lịch địa phương.

Những ngày gần đây, mạng xã hội lan truyền câu chuyện một du khách đi du lịch đã phải trả 35 ngàn đồng cho bữa ăn sáng trong khi chỉ nhận được một đĩa bún nhỏ cùng hai miếng chả viên.

Điều đáng nói là khi bị phản ánh, chủ nhà hàng vẫn khẳng định bán đúng giá niêm yết và cho rằng một suất bún bình thường tại đây cũng chỉ cung cấp số lượng chả viên như vậy.

spa.jpg
Việt Nam hút khách du lịch vì có rất nhiều phong cảnh đẹp nhưng nạn chặt chém khiến cho phần đông khách du lịch không muốn quay lại lần hai

Vốn là một người yêu thích du lịch trải nghiệm, bản thân tôi cũng từng nếm trải rất nhiều lần bị “chặt chém” ở các địa danh khác nhau trong cả nước nên thật sự rất bức xúc.

Xét về lý, việc nhà hàng phân tích và cam kết bán hàng đúng theo niêm yết là không sai. Tuy nhiên, nếu xét về tình thì cốt lõi của việc kinh doanh vẫn nên xuất phát từ đạo đức và việc xây dựng thiện cảm từ khách hàng.

Theo tôi, nếu không thể bán phần ăn với mệnh giá 35 ngàn cho cân đối và phù hợp thì nên dứt khoát rút nó khỏi thực đơn. Thay vì đổ lỗi do khách hàng không hỏi kỹ, chủ nhà hàng nên nhận khuyết điểm về mình bởi lẽ nếu chỉ lỗi tại khách thì một khi đã trở thành thông lệ, mỗi khách hàng đi ăn sẽ phải chuẩn bị tâm thế cảnh giác, đề phòng,... Nếu vậy thì còn ai dám đi du lịch Việt Nam nữa.

Tôi sinh sống ở TP. HCM, nơi có vật giá lẫn mặt bằng mặt tiền phố lớn không đâu đắt đỏ bằng nhưng chưa bao giờ ăn phải một suất bún chả vừa đơn điệu, buồn tẻ và đắt đỏ như thế. Ngẫm cho cùng, phần ăn này không chỉ là vấn nạn “chặt chém” mà còn là sự xúc phạm du khách. Và cả hai việc trên đều là đuổi khách đi, hủy hoại nền du lịch địa phương.

Vài tháng trước, gia đình tôi có đi du lịch đến Thái Lan. Những địa danh ở Bangkok hay Chiang Mai, chúng tôi đều ghé qua nhưng không một lần bị 'chặt chém' hay chi tiền không phù hợp cho bất cứ dịch vụ nào.

Đồ ăn và giao thông ở Thái Lan không thật sự nổi bật nhưng sự thân thiện, cách ứng xử rất văn minh của người Thái khiến tôi ấn tượng. Chỉ một việc đơn giản như muốn qua đường, bạn sẽ luôn được người lái xe hơi chủ động nhường cho đi trước với thái độ rất chừng mực và lịch thiệp. Tại các khu chợ đêm hay trong trung tâm thương mại, giá đồ ăn được niêm yết rõ rằng nhưng nếu muốn ăn thêm, người bán hàng sẽ vui vẻ đáp ứng ngay, không một tiếng kêu ca, phàn nàn. Có lẽ đây chính là lý do để du lịch của quốc gia này ngày càng phát triển.

Suốt gần năm ngày du lịch tự túc tại Thái Lan, gia đình tôi tiêu xài chưa đến 8.000 bath (khoảng hơn 6 triệu đồng), ngược hoàn toàn so với ở Việt Nam.

Tôi đã từng đến một số địa danh nổi tiếng như Sa Pa, Hà Nội, Đà Lạt…nhìn cách làm du lịch vô cùng xô bồ, kém chuyên nghiệp của họ mà ngao ngán. Trong một lần ghé chợ Đà Lạt, gia đình tôi bị chèo kéo vào một hàng bán xôi. Bọn trẻ con nhà tôi vốn thích ăn xôi ngọt nên gọi hai suất xôi với mức giá cao nhất là 40.000 nghìn. Tuy nhiên, khi người hàng mang xôi ra, bọn trẻ đều chưng hửng vì nắm xôi vừa nhỏ vừa khô cứng. Ngay cả 2 xuất xôi mặn vợ chồng tôi gọi cũng chẳng hơn gì.

Cho rằng xôi vì hấp lại nhiều lần nên cứng, chúng tôi phản ứng, lập tức nhận được thái độ nóng giận kèm những lời lẽ miệt thị, khó nghe của người bán hàng.

Cá nhân tôi cho rằng làm du lịch mà theo kiểu “ăn xổi ở thì” như thế chẳng những không mang đến lợi nhuận mà còn khiến ngành du lịch nước ta nhận lại hậu quả không đáng có, khiến hình ảnh ngành du lịch Việt trở nên xấu xí hơn.

Người kinh doanh, buôn bán có thói quen mời chào vồn vã đến mức chèo kéo và hầu như là không kiểm soát nổi giá cả. Đấy là một điểm trừ rất lớn đối với không chỉ khách nội địa mà còn là ấn tượng rất xấu với du khách quốc tế. Cũng bởi, ý thức hành động vì lợi ích cộng đồng của người Việt đa phần chưa cao nên hiện tượng “chặt chém” để thu lợi cá nhân cứ ngày một lan rộng.

Đã đến lúc mỗi người chúng ta nên nghĩ đến lợi ích chung của du lịch Việt Nam và bằng những hành động cụ thể xuất phát từ đạo đức, ý thức của người làm du lịch được chấn chỉnh, rèn rũa  cùng với một chế tài đủ mạnh thì mọi thứ mới có thể vào quy củ được.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng vì chút lợi nhuận nhỏ mà đánh mất hình ảnh du lịch Việt Nam