Moitruong.net.vn – Người dân nêu thắc mắc: Tại sao thành phố không thu hồi dự án chậm triển khai để làm bãi đỗ xe, mà lại phải xén đất công viên?

Việc UBND TP Hà Nội đồng ý về chủ trương, giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc hướng dẫn doanh nghiệp các bước thực hiện dự án “xén” một góc Công viên Cầu Giấy để làm bãi đỗ xe và trung tâm thương mại khiến dư luận băn khoăn. Làm sao có thể không hoài nghi khi mà những “lá phổi xanh” của Thủ đô đang đứng trước nguy cơ bị biến thành dự án thương mại.

Cụ thể, Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ mới đây đã có “sáng kiến” trình UBND TP Hà Nội rằng, hiện quanh khu vực Công viên Cầu Giấy đang thiếu chỗ đỗ xe nghiêm trọng nên cần xén một phần công viên này để xây dựng bãi đỗ xe.

Trong Đề án doanh nghiệp đề xuất “kèm thêm” dự án trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí. Dư luận lấy làm khó hiểu vì sao một đề án mang nặng tính chất kinh doanh, ảnh hưởng đến môi trường như vậy mà UBND TP Hà Nội lại có thể đồng ý.

Ảnh minh họa

Trước tiên, hãy bàn về quy hoạch, mục đích sử dụng đất được phê duyệt tại vị trí mà doanh nghiệp đề xuất xây trung tâm thương mại để thấy rõ việc UBND TP Hà Nội ngay cả chỉ là đồng ý về chủ trương cũng là không ổn.

Theo quy hoạch, lô đất mà Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ đề xuất xén làm trung tâm thương mại có chức năng sử dụng là đất cây xanh đô thị. Hiện trạng cũng đang là đất cây xanh công viên và sân tập thể dục thể thao cộng đồng, không chỉ phục vụ người dân trong khu vực mà còn đảm bảo môi trường cho tất cả người dân Thủ đô.

Thứ nữa là bàn đến sự cần thiết của bãi đỗ xe như cái cớ mà Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ đưa ra để xây trung tâm thương mại theo kiểu “bia kèm lạc”. Cách Công viên Cầu Giấy chỉ 100m vừa mới khánh thành một bãi đỗ xe nổi 5 tầng, chưa kể còn quy hoạch khá nhiều bãi đỗ xe xung quanh khu vực này.

Tuy nhiên, không ít lô đất quy hoạch làm bãi đỗ xe trong suốt thời gian dài không được triển khai xây dựng, thậm chí có lô quy hoạch bãi đỗ xe bị sử dụng sai mục đích. Vậy thì vì sao các đơn vị lại vẫn quyết lấy thêm đất công viên để xây dựng bãi đỗ xe?

Hiện quanh khu vực Công viên Cầu Giấy còn có một số dự án đã được bàn giao mặt bằng nhưng chậm triển khai, thậm chí không triển khai mà sử dụng làm sân tennis, quán bia… Theo quy định của pháp luật, nếu dự án sau khi được bàn giao mặt bằng mà chậm chễ không triển khai thực hiện trên một năm sẽ bị thu hồi.

Vậy tại sao UBND TP Hà Nội không thu hồi những bãi để xe đã quy hoạch nhưng không thực hiện xây dựng, không thu hồi những dự án khác không những chậm triển khai mà còn sử dụng đất sai mục đích, để giao cho Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ?

Từ những dẫn chứng trên thì chẳng cần nói, ai cũng có thể tự có nhận định Đề án xây dựng bãi đỗ xe kiêm trung tâm thương mại của Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ có cần thiết hay không. Ngay cả khi nhất thiết phải có một bãi đỗ xe kiêm trung tâm thương mại dành cho Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Tây Hồ xây dựng, thì cũng không có lý gì để xâm phạm vào đất Công viên Cầu Giấy nói riêng và đất công viên cây xanh của cả thành phố nói chung.

Trong bối cảnh đô thị hóa ồ ạt như hiện nay, nếu không gìn giữ những lá phổi xanh sẽ tác động khôn lường đến môi trường sống.

Đó là còn chưa kể đã có “tiền lệ xấu” từ việc giao đất công viên làm dự án, để rồi các doanh nghiệp “băm nát” lá phổi xanh chỉ với mục đích làm sao có lợi nhất mà bất cần quan tâm đến môi trường sống của người dân Thủ đô bị hủy hoại, cộng đồng dân cư có chỗ để vui chơi giải trí, sinh hoạt, thể dục, thể thao hay không.

Một ví dụ điển hình khác, sau khi lấy đất Công viên Thống Nhất giao cho doanh nghiệp xây khách sạn bị Thủ tướng “tuýt còi”, thay vì trả lại đất công viên thì UBND TP Hà Nội lại tiếp tục giao cho Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội để xây dựng bãi đỗ xe ngầm.

Tuy nhiên, suốt từ năm 2016 cho đến nay, “dự án bãi đỗ xe ngầm” của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội vẫn chỉ là “đang khảo sát”, còn 10.000m2 đất công viên trên thực tế bị người ta chiếm dụng làm bãi trông giữ xe, rửa xe dịch vụ… nhiều năm qua.

Việc có nhiều lô đất được quy hoạch làm bãi đỗ xe xung quanh khu vực Công viên Cầu Giấy không triển khai thực hiện mà tiếp tục nhăm nhe lấy đất công viên giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh doanh là một điều hết sức khó hiểu.

Dư luận không khỏi hoài nghi rằng có hay không lợi ích nhóm khi nhiều khu đất bên ngoài bỏ không, sử dụng sai mục đích nhưng vẫn định “xén” lá phổi xanh của thành phố làm bãi đỗ xe vào trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí.

Ngay sau khi được lấy ý kiến về dự án tại phường Dịch Vọng, người dân tại đây đã bày tỏ sự phản đối. Hàng trăm người dân đã ký vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng chỉ ra điểm bất hợp lý của dự án. Họ cho rằng, các chung cư tại đây đều phân lô thấp tầng và đầy đủ chỗ đỗ xe, không như chủ đầu tư dự án xén công viên xây công trình nói là thiếu.

Mỗi chung cư đều có 1-3 tầng hầm, hoàn toàn đảm bảo chỗ đỗ. Ngoài ra, tại đây cũng mới khánh thành một bãi đỗ xe nổi 5 tầng sau nhà N09B1, cách công viên 100 m.

Cũng trong đơn kiến nghị, người dân cũng chỉ ra điểm bất hợp lý là trong quy hoạch lân cận công viên đang có 5 bãi đỗ xe, nhưng hiện tại chưa được xây dựng. Thậm chí có lô quy hoạch bãi đỗ xe bị sử dụng sai mục đích. Như vậy, không có lý do gì phải xén đất công viên để xây bãi đỗ xe ngầm, trong khi đất quy hoạch không được xây dựng.

Ngoài ra, bên ngoài công viên cũng có nhiều lô đất được giao rồi nhưng dự án triển khai chậm nhiều năm. Những lô đất đó được xây sân tennis, quán bia, sân bóng đá mini. Người dân nêu thắc mắc: Tại sao thành phố không thu hồi dự án chậm triển khai để làm bãi đỗ xe, mà lại phải xén đất công viên?

Người dân cũng cho rằng, việc xén đất làm công viên làm ảnh hưởng đến “lá phổi xanh” của cả khu vực, trong khi quy hoạch đã được hoàn chỉnh. Phương án trồng cây xanh trên bề mặt của chủ đầu tư là sơ sài, chủ yếu là cây bụi. Việc xây dựng chỗ đỗ cho gần 900 ô tô ra vào cũng tạo ra tiếng ồn, khói bụi đáng kể cho công viên, các trường học lân cận và người dân xung quanh.

Linh Trang (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng “xén” lá phổi xanh